Trong một trận chiến ác liệt, chiến sỹ Nguyễn Văn Lợi bị thương nặng và rơi vào tay địch, phải chịu cảnh giam hãm, tù đày. Đơn vị xác định đã hy sinh và gửi giấy báo từ về gia đình, địa phương đã làm lễ truy điệu, các bậc sinh thành khóc cạn nước mắt. Ngày toàn thắng, người “liệt sỹ” ấy trở về, viết tiếp những ước mơ cuộc đời và không nguôi đau đáu nhớ về đồng chí, đồng đội.
TRÒ CHỈ HUY CỦA THẦY
Trong ngôi nhà của mình ở khối 6, thị trấn Anh Sơn (huyện Anh Sơn - Nghệ An), ông Nguyễn Văn Lợi (SN 1945) vẫn dành một nơi trang trọng để treo tấm “Bảng vàng danh dự”. “Bảng vàng” này do nhà nước trao tặng vợ chồng ông Nguyễn Văn Dung (thân sinh ông Lợi) từ mấy chục năm trước vì có hai con là Nguyễn Văn Lộc và Nguyễn Văn Lợi đã tòng quân chống Mỹ, cứu nước. Trong nỗi xúc động, ông Lợi chợt rưng rưng: “Ngày ấy, hay tin anh em chúng tôi lần lượt hy sinh ở chiến trường miền Nam, bố mẹ tôi đã khóc cạn nước mắt, nỗi đau đớn, tang thương phủ khắp đại gia đình. Nhưng tôi may mắn được trở về, trở thành điểm tựa cho bố mẹ, là nguồn động lực của gia đình, dù niềm vui không trọn vẹn…”.
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Lợi bên những kỷ vật thời quân ngũ
Quê ở xã Khai Sơn (Anh Sơn), tốt nghiệp Khoa Vật lý, Trường ĐHSP Vinh, thầy giáo trẻ Nguyễn Văn Lợi về giảng dạy tại Trường Cấp 3 Tĩnh Gia (Thanh Hóa). Cứ ngỡ rằng sẽ mãi được gắn bó với phấn trắng, bảng đen và những cô cậu học trò hồn nhiên, yêu đời, nhưng chiến tranh ngày càng ác liệt, thầy giáo trẻ ấy xung phong nhập ngũ, mong góp phần đánh đuổi quân xâm lược. Cuối năm 1971, trên quốc lộ 1A qua huyện Tĩnh Gia có một cuộc tiễn đưa đầy xúc động, các thầy cô và học trò tiễn những người thầy và những cậu học trò đang độ mười tám, đôi mươi lên đường vào chiến trường miền đánh Mỹ. Tay nắm chặt tay, đan xen nụ cười và nước mắt, những cái vẫy chào thắm đượm tình yêu thương. “Đến hôm nay, khi đã sang tuổi 74, và cuộc tiễn đưa ấy đã diễn ra gần 50 năm nhưng ký ức vẫn in rõ từng hình ảnh, chi tiết, mọi thứ vẫn vẹn nguyên, không thể nào quên những ánh mắt quyến luyến của lũ trò nhỏ, tưởng chừng như sự việc ấy mới diễn ra hôm qua...” – ông Lợi tâm sự.
Vào quân ngũ, Nguyễn Văn Lợi trở thành chiến sỹ Sư đoàn 325, địa bàn chiến đấu chủ yếu tại chiến trường Quảng Trị. Nơi “đất lửa” này, ông và các đồng đội đã tham gia những trận đánh ác liệt, trong đó có trận Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Hiện nay, ông vẫn còn giữ được bài báo “Tình đồng chí, nghĩa thầy trò” đăng trên báo Người giáo viên nhân dân, ra ngày 20/8/1972. Bài báo kể về thầy giáo Nguyễn Văn Lợi tình nguyện nhâp ngũ, không kịp về thăm gia đình, chỉ viết thư báo tin cho vợ rồi lên đường. Vào chiến trường, được bổ sung vào tiểu đội do Cao Văn Hào làm Tiểu đội trưởng. Hào là học sinh của thầy Lợi, nhập ngũ trước 4 tháng, thầy trò gặp nhau vừa vui mừng, vừa bỡ ngỡ trong quan hệ mới. Sau nhiều lần tâm tình, họ xác định giúp nhau rèn luyện, thầy Lợi cố gắng chấp hành điều lệnh, tập kỹ - chiến thuật, xứng đáng là một chiến sỹ. Còn Tiểu đội trưởng Hào phải mạnh dạn, nghiêm túc trong ứng xử, giúp đỡ tận tình. Từ đó, họ trở nên gắn bó, cùng nhau xây dựng tiểu đội đoàn kết.
LAO TÙ VÀ GIẤY BÁO TỬ
Bước ngoặt cuộc đời người lính chiến diễn ra vào ngày 27/01/1973- ngày ký kết Hiệp định Pari. Hôm ấy, chạm trán với địch ở Cửa Việt, đơn vị được giao nhiệm vụ ngăn chặn quân địch mở rộng địa bàn, gây bất lợi cho ta sau khi ký kết hiệp định. Trận chiến chiến đấu vô cùng ác liệt, địch dung hỏa lực mạnh để đẩy nhanh bước tiến, quân ta kiên cường chống trả và làm tiêu hao sinh lực của địch. Cuộc chiến không cân nên đơn vị chịu nhiều tổn thất, nhiều đồng đội của Nguyễn Văn Lợi đã ngã xuống. Trong một đợt xung phong, ông bị trúng đạn kẻ thù rồi nằm lại trên bãi cát. Tỉnh dậy trong nhà thương của địch, ông mới biết mình trở thành tù binh, và bắt đầu chuỗi ngày đối phó với âm mưu khai thác thông tin của kẻ địch. Những lần thẩm vấn, lấy cớ bị thương ở cổ nên không thể phát âm, cánh tay phải đau nặng không thể cầm bút viết, người chiến sỹ trẻ đã đánh lừa địch một cách dễ dàng. Địch chuyển ông về trại giam Đà Nẵng, rồi trại giam Biên Hòa, tiếp đến là trại giam Cần Thơ, hết dụ dỗ rồi đe dọa tra tấn bằng đòn roi nhưng ông vẫn lấy cớ bị thương để “im hơi, lặng tiếng”.
Trong chốn đày ải, thầy giáo Lợi được tổ chức Đảng trong tù giao hiện nhiệm vụ tập hợp anh em có trình độ, bí mật tổ chức bồi dưỡng kiến thức, giảng dạy văn hóa cho các đồng chí, đồng đội của mình. Cái khó ở đây là việc phân loại các tù nhân để tuyên truyền, giảng dạy, vì những người bị giam cũng có “dòng trong” và “dòng đục”, và những tên do địch cài cắm để khai thác thông tin. Nhưng với kinh nghiệm và sự thông minh, khéo léo, thầy giáo lợi và các đồng chí của mình đã biến nhà tù thành trường học.
Ngày 30/4/1975, hay tin Sài Gòn được giải phóng, ông Nguyễn Văn Lợi và hơn 1 nghìn chiến sỹ bị giam ở nhà giam Cần Thơ vùng dậy phá nhà lao, tự giải phóng mình. Để rồi, hòa chung với niềm vui khi non song thống nhất, hai miền sum họp. Qua những tháng ngày bận rộn với bộn bề công việc của thời hậu chiến, người lính ấy mới có thời gian biên thư về cho gia đình, để kể lại những bước đường chiến đấu. Phải gần hai tháng sau, ông Lợi mới nhận được lá thư hồi âm của vợ, trong thư vợ ông kể gia đình nhận được giấy báo tử từ năm 1973. Tin về như sét đánh ngang tai, cả nhà ai nấy đều đau đớn, bà Hoàng Thị Dung ốm thập tử nhất sinh khi nhận tin con trai hy sinh ở chiến trường. Còn người vợ trẻ suốt hai năm sống chung với những dòng nước mắt, đêm nào cũng đứng trước bàn thờ chồng để tìm ánh mắt yêu thương…
KẾT NỐI NGHĨA TÌNH ĐỒNG CHÍ
Rời quân ngũ với thương tật 61%, ông Lợi tiếp tục với phấn trắng bảng đen, là người thầy mẫu mực của bao thế hệ học trò miền quê trung du Anh Sơn đầy nắng gió. Khi nghỉ hưu, rời bục giảng, con cái đã phương trưởng và thành đạt, thầy giáo Lợi dành thời gian đi khắp ngoài Bắc, trong Nam, từ Hà Giang, Yên Bái đến Long An, Cà Mau để tìm kiếm và “kết nối” những người đồng chí, đồng đội từng bị giam cầm ở nhà giam Cần Thơ sau Hiệp định Pari. Tìm được một bạn tù như tìm được một người thân sau bao năm thất lạc, mừng mừng tủi tủi, rồi lại tìm cách khâu nối để thăm dò, tìm kiếm và mở rộng phạm vi lien lạc.
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Lợi (phải) cùng đồng đội thăm chiến trường xưa
Trên hành trình ấy, ông gặp bao niềm vui hội ngộ, khi những người bạn năm nào vẫn khỏe mạnh, bình an, có những người là lãnh đạo chủ chốt của địa phương. Nhưng cũng gặp không ít nỗi buồn khi phải chứng kiến cảnh sống nghèo khổ, bị bệnh tật hành hạ hay cháu con nheo nhóc. Lúc ấy, ông phải kêu gọi mọi người chung tay giúp đỡ, cùng nhau chia sẻ gánh nặng mưu sinh và xoa dịu nỗi đau. Sau hơn 10 năm lần tìm, ông Lợi đã có trong tay địa chỉ và số điện thoại của gần 400 người bạn tù những năm bị giam giữ ở Cần Thơ. Mỗi khi nhớ đến, ông lại ngồi biên thư hoặc gọi điện thăm hỏi, trao đổi tâm tình.
Tiễn khách ra về, người “Liệt sỹ trở về” đã chia sẻ: “Chỉ mong có đủ sức khỏe để tiếp tục tìm kiếm, kết nối và gặp gỡ những người bạn từng chung cảnh sống tù đày. Nếu mình chậm trễ, cơ hội sẽ giảm dần, vì hầu hết chúng tôi đã đi qua đội tuổi “xưa nay hiếm”.
Công Kiên