Vai trò của MTTQ tỉnh trong xây dựng nông thôn mới

14:07 23/07/2020
Vai trò của MTTQ tỉnh trong xây dựng nông thôn mới (10/06/2019 01:37 PM)

Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM) là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội, những năm qua, với nhiều hình thức phong phú, những phương pháp triển khai quyết liệt, bằng những cách làm hay những người làm công tác mặt trận từ tỉnh đến cơ sở của Nghệ An đã phát huy tốt vai trò của mình trong việc vận động nhân dân tham gia vào chương trình có ý nghĩa này.

Bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, MTTQ các huyện trong tỉnh Nghệ An đã phát huy tốt vai trò nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động người dân phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình XDNTM tại địa phương. Theo đó, công tác tuyên truyền được cấp ủy, chính quyền và mặt trận, các đoàn thể của xã triển khai thường xuyên, sâu rộng ở tất cả các địa bàn dân cư, tạo thành phong trào thi đua sôi nổi thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tham gia.

Trong 5 năm qua, MTTQ và các đoàn thể nhân dân đã phối hợp phát động phong trào thi đua thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2020, thông qua các cuộc vận động như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; “Cựu chiến binh gương mẫu chung sức đồng lòng xây dựng nông thôn mới”; thanh niên xung kích, thanh niên tình nguyện bảo vệ môi trường nông thôn; phụ nữ với cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” tham gia xây dựng nông thôn mới... MTTQ và đoàn thể nhân dân các cấp đã tham mưu cho cấp ủy, phối hợp với chính quyền đưa nội dung, chương trình kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới vào Chương trình công tác hàng năm, hướng dẫn cơ sở ký giao ước thi đua, xây dựng kế hoạch thực hiện và quán triệt tới Ban Công tác Mặt trận, chi đoàn, chi hội.


Qua đó đã tạo sự chuyển biến về nhận thức trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân về xây dựng nông thôn mới. Chương trình đang dần trở thành phong trào sâu rộng trong cả tỉnh, huy động cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở vào cuộc. MTTQ và các đoàn thể nhiều địa phương đã chủ động phối hợp tuyên truyền, vận động nguồn lực tại chỗ để triển khai thực hiện các nhiệm vụ và mục tiêu cụ thể của Chương trình; nhiều nội dung của Chương trình bước đầu đã được triển khai thực hiện đạt kết quả tốt.

Nhờ vậy, đến nay tính đến nay, nhân dân đã tự nguyện đóng góp 5.658 tỷ đồng, hiến trên 8 triệu m2 đất, ủng hộ 6,39 triệu ngày công để xây dựng các công trình giao thông nông thôn, cùng với nguồn lực nhà nước hỗ trợ, toàn tỉnh có 56 thôn, bản, làng hoàn thành tiêu chí nông thôn mới cấp huyện và tỉnh, 218/431 xã (chiếm 50,58%), 3 đơn vị cấp huyện  đạt chuẩn Nông thôn mới (tính đến cuối năm 2018), ngoài ra MTTQ phối hợp bình xét, công nhận gia đình văn hóa, gia đình thể thao, khu dân cư văn hóa... Điểm nổi bật trong nhiệm kỳ, Ban Thường trực UBMTTQ tỉnh Nghệ An tổ chức thành công Hội thi “Khu dân cư nói không với sản xuất thực phẩm bẩn” với 5.899/5.899 khu dân cư, 480/480 xã, phường, thị trấn tham gia. Hội thi là dịp tuyên truyền, phát huy sức mạnh nhân dân tham gia công tác đấu tranh, phòng chống sản xuất thực phẩm bẩn, biểu dương, nhân rộng khu dân cư sản xuất thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn.

Xét riêng vai trò xây dựng NTM của hệ thống mặt trận phải kể đến nhiều đơn vị trong tỉnh đã làm tốt và rất bài bản. Đơn cử như huyện Qùy Hợp, với phương châm lấy sức dân để xây dựng cuộc sống cho dân, lấy lợi ích chung của cộng đồng dân cư làm điểm tương đồng, lấy sự tiến bộ và nâng cao chất lượng cuộc sống ở khu dân cư làm mục đích, Ủy ban MTTQ huyện và các tổ chức thành viên đã bám địa bàn khu dân cư và hộ gia đình để triển khai các cuộc vận động, cổ vũ, động viên Nhân dân chủ động phát triển sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, giảm nghèo bền vững, làm giàu chính đáng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng nếp sống văn minh, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội. MTTQ các cấp đã phối hợp thực hiện giám sát, đánh giá sự hài lòng của Nhân dân đối với các xã, xóm bản về đích Nông thôn mới, nhờ đó góp phần nâng cao chất lượng phong trào, đáp ứng yêu cầu nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân. Tính đến nay nhân dân đã tự nguyện đóng góp 5.892 triệu đồng, hiến trên 23.954 nghìn m2đất, hơn 2.143 ngày công để xây dựng các công trình giao thông nông thôn, cùng với nguồn lực nhà nước hỗ trợ toàn huyện có 06 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 01 thị trấn đạt đô thị văn minh; Số tiêu chí đã đạt bình quân của toàn huyện là 9,75 tiêu chí/xã.

Rồi đến thị xã Thái Hòa, trên cơ sở thực tiễn của từng cơ sở, MTTQ thị xã Thái Hòa đã lựa chọn một số nội dung để tập trung phối hợp thực hiện. Đơn cử về tiêu chí thu nhập, từ việc rà soát ở từng cơ sở, đồng thời phân tích mô hình kinh tế nào hiệu quả có thể nhân rộng, MTTQ thị xã Thái Hòa đã xây dựng kế hoạch, kêu gọi các tổ chức, cá nhân vào cuộc làm “bà đỡ” cho mô hình mở rộng, phát triển thành các tổ hợp tác và hợp tác xã. Bằng cách làm này, từ các mô hình kinh tế đơn lẻ, đến nay, MTTQ thị xã đã nhân rộng và phát triển thành 8 mô hình hợp tác xã, như HTX sản xuất bột nghệ, HTX nuôi ong, HTX trồng bưởi… Không những vậy, MTTQ thị xã cũng đã phối hợp với các tổ chức thành viên để đào tạo nghề, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề tăng lên, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Từ đó góp phần quan trọng vào việc đưa thị xã Thái Hòa trở thành đơn vị đầu tiên của tỉnh được công nhận đạt chuẩn NTM.

Hay như ở huyện miền núi Tương Dương, thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và các văn bản chỉ đạo của cấp ủy các cấp, MTTQ đã làm tốt công tác phối hợp trong thực hiện tuyên truyền, vận động, triển khai nhiều phần việc cụ thể để thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nổi bật là vận động nhân dân đóng góp nguồn lực, đóng góp ngày công, hiến đất, hiến cây, hỗ trợ phát triển kinh tế tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn hóa, bảo vệ cảnh quan môi trường, chỉnh trang đường làng ngõ xóm. Đây là một thành tích đáng ghi nhận bởi so với các huyện miền núi, thành phố thì việc vận động nhân dân đóng góp, tham gia vào xây dựng chương trình NTM ở miền núi rất khó khăn do điều kiện kinh tế chênh lệch. Điểm nổi bật trong nhiệm kỳ qua MTTQ các cấp đã chủ động và tham mưu tích cực cho cấp ủy cùng cấp trong công tác vận động các nguồn lực để xóa nhà dột nát tạm bợ cho 405 hộ nghèo với tổng giá trị hơn 9,5 tỷ đồng; phối hợp với nguồn hỗ trợ của cấp trên đã hỗ trợ giống bò sinh sản cho 43 hộ nghèo , ngoài ra còn hỗ trợ vốn cho 187 hộ nghèo để phát triển sản xuất cải thiện đời sống; hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó được 132 lượt em; hỗ trợ đối tượng hộ nghèo đặc biệt khó khăn khám chữa bệnh được 378 lượt; Tập trung vận động nhân dân đóng góp dựng nông thôn mới từ đầu nhiệm kỳ đến nay là 87,3 tỷ đồng; hiến đất 179.999m2; hiến 332.600 cây các loại; đóng góp 200.207 ngày công lao động; làm mới, tu sửa được trên 310 km đường giao thông (trong đó có 68 km đường bê tông nông thôn).

Ngoài ra, các huyện như Thanh Chương, Đô Lương, Nam Đàn, Thị xã Cửa Lò…cũng là điển hình của phong trào này. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Huy – Chủ tịch MTTQ tỉnh Nghệ An cho rằng, Chương trình xây dựng NTM với một yêu cầu phát triển tổng thể về kinh tế - xã hội, an ninh trật tự và xây dựng hệ thống chính trị vùng nông thôn. Nhân dân là chủ thể chính trong xây dựng NTM và MTTQ đã phát huy tốt vai trò nòng cốt trong tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình NTM. MTTQ ở mỗi cấp đều lựa chọn mô hình, nội dung cụ thể để vận động hoặc kêu gọi, tranh thủ sự phối hợp của các tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp để triển khai thực hiện.

Trúc Ly

LIÊN KẾT WEBSITE

 
 
 

Các đơn vị khác