Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Trần Quốc Vượng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động; Trịnh Đình Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó trưởng ban thường trực Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động; Trần Tuấn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương, Phó trưởng ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động; Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế; các thành viên trong Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cùng 500 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành phố, các cơ quan, đơn vị, cá nhân tiêu biểu có nhiều thành tích trong thực hiện Cuộc vận động 10 năm qua.
Thực sự chinh phục được người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn khẳng định, 10 năm qua, với sự lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp thường xuyên của cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận các cấp, ngành Công thương, các tổ chức, cơ quan, đơn vị, sự quan tâm, hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân và đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp đã chú trọng cải tiến kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới quy trình sản xuất, quản lý, tăng tỷ lệ nội địa hóa và hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm, tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng, mẫu mã đẹp, giá cả hợp lý; nhiều sản phẩm trở thành niềm tự hào của người Việt Nam, thực sự chinh phục được người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu tới một số nước trên thế giới.... Những kết quả đó góp phần hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, giảm nhập siêu, tiến tới xuất siêu trong những năm gần đây, bảo đảm cân đối cung cầu, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu, không còn hiện tượng sốt giá, thiếu hàng vào các dịp lễ, Tết, mùa vụ”.
Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Công Thương, hàng Việt tại các hệ thống siêu thị trong nước luôn đạt ở tỉ lệ từ 90% trở lên. Đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm tỷ lệ từ 60% trở lên. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ từ năm 2009 đến nay đều có mức tăng trưởng khoảng 10% mỗi năm (đặc biệt trong các năm 2018, 2017, 2016 tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ lần lượt ở các mức 11,7%, 10,9%, 10,2%). Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ mức lạm phát phi mã 19,8% năm 2008 đã giảm xuống mức dưới 5% trong các năm gần đây. Nền kinh tế chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu (năm 2010, Việt Nam nhập siêu là 12,5 tỷ USD; năm 2018, Việt Nam xuất siêu gần 7,2 tỷ USD). Một số ngành hàng sản xuất Việt Nam có thế mạnh đã tăng tỷ lệ nội địa hóa và hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm (tỷ lệ nguyên phụ liệu nội địa của ngành dệt may chiếm khoảng 50%, tỷ lệ nội địa hóa ngành da giày chiếm khoảng 40-50%...).
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho biết, hiện nay, khu vực doanh nghiệp đang ngày càng khẳng định vị trí quan trọng trong nền kinh tế đất nước, hằng năm đóng góp ngân sách Nhà nước hơn 12%, tương đương trên 60% GDP nền kinh tế. Mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ từ năm 2009 đến nay tăng trưởng hơn 10% mỗi năm, cao gấp 1,5 đến 2 lần so với tốc độ tăng trưởng bình quân của GDP cùng kỳ.
Đặc biệt, Đảng, Nhà nước đã và đang có những chủ trương, chính sách quyết liệt, rõ ràng, tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp phát triển, tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí; tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát.
Theo kết quả điều tra dư luận xã hội của Viện Dư luận Xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương, đối tượng điều tra là cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên phạm vi toàn quốc, có 88% người tiêu dùng cho biết họ quan tâm đến Cuộc vận động. Trong đó, “Rất quan tâm” là 53% và “Quan tâm có mức độ” là 35%; số người “ít quan tâm” hoặc “không biết có Cuộc vận động này” chiếm tỷ lệ thấp 12%. So với kết quả điều tra các năm 2010 thì tỷ lệ “rất quan tâm” đến Cuộc vận động ở thời điểm năm 2019 tăng 5% (từ 48% lên 53%); Tuy nhiên, so với kết quả năm 2014, tỷ lệ “rất quan tâm” của người dân đối với Cuộc vận động lại giảm 8% (năm 2014 là 61%).
67% người được hỏi cho rằng, kể từ khi có Cuộc vận động, bản thân họ đã “Tự xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; 52% cho rằng “Khuyên người thân trong gia đình, bạn bè, người quen nên mua hàng Việt Nam”; 36% cho rằng “Trước đây có thói quen thường mua hàng có nguồn gốc xuất xứ từ nước ngoài nay đã dừng mua (hoặc mua ít hơn), thay vào đó là mua hàng Việt Nam”. So sánh kết quả điều tra năm 2019 với các năm 2010 và 2014, có thể thấy sự chuyển biến trong nhận thức, thái độ của người dân khi mua sắm hàng hóa đã có sự thay đổi đáng kể. Tỷ lệ này có xu hướng tăng dần (năm 2010 là 59%; năm 2014 là 63%; năm 2019 là 67%).
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận nhằm nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động, tận dụng thời cơ, phát huy thế mạnh, đối phó với thách thức, khó khăn khi Việt Nam đã chính thức tham gia các hiệp định thương mại thế hệ mới CPTPP, EVFTA; đưa ra những giải pháp triển khai hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, tìm kiếm mở rộng thị trường, liên kết, hợp tác đầu tư; nhất là khâu thiết kế, cung cấp thông tin, đào tạo nhân lực, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và xây dựng mạng lưới phân phối. Đặc biệt là những giải pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống đầu cơ, buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; thực hiện các quy định về niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, xử lý kịp thời các vi phạm; bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà sản xuất và người tiêu dùng.
Khơi dậy niềm tự hào, phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước trong tiêu dùng hàng Việt
Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư ghi nhận, đánh giá cao Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể các cấp đã tích cực, chủ động quán triệt, triển khai thực hiện có kết quả thiết thực Cuộc vận động. Đồng chí nhấn mạnh, Cuộc vận động đã góp phần phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam và sản xuất ra nhiều hàng Việt có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Đặc biệt, công tác tuyên truyền về Cuộc vận động đã được đẩy mạnh, nhất là trên hệ thống báo chí cả nước với nội dung phong phú, đổi mới, hình thức hấp dẫn, qua đó nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, doanh nghiệp và nhân dân về Cuộc vận động trong bối cảnh mới, quan tâm giới thiệu hàng Việt với đông đảo người tiêu dùng. Các doanh nghiệp, người sản xuất đã đề cao trách nhiệm đối với người tiêu dùng; chú trọng ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới quản lý, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; coi trọng quảng bá sản phẩm, phát triển hệ thống phân phối, từng bước chiếm lĩnh thị trường nội địa, đáp ứng tốt hơn nhu cầu người tiêu dùng...
Tuy nhiên, đồng chí Trần Quốc Vượng cũng cho rằng, việc triển khai Cuộc vận động vẫn còn nhiều hạn chế và gặp khó khăn, thách thức. Có một điều đáng buồn là vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp trong Cuộc vận động ngày càng giảm. Cạnh tranh hàng hóa, dịch vụ trên thị trường trong nước ngày càng phức tạp hơn, nhất là khi thực hiện theo các thỏa thuận, hiệp định đa phương, song phương mà Việt Nam đã ký kết. Đó vừa là cơ hội, vừa là thách thức, tạo sức ép cạnh tranh lớn về sản xuất, thương mại. Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học – công nghệ tác động không nhỏ đến sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của doanh nghiệp và nhân dân. Người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn, yêu cầu cao hơn đối với hàng hóa Việt về quy chuẩn, chất lượng. Cùng với đó, vai trò của các hiệp hội trong Cuộc vận động chưa cao, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chưa thực sự hưởng ứng, nội dung hình thức tuyên truyền chưa đủ, chưa nhiều. Quảng cáo hàng Việt trên báo chí chưa bảo đảm định hướng, gương điển hình trong việc thực hiện Cuộc vận động chưa được lan tỏa....
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của đất nước, Thường trực Ban Bí thư cho rằng, thời gian tới, Cuộc vận động cần được tiếp tục triển khai mạnh mẽ, sáng tạo, thiết thực hơn nữa. Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, các doanh nghiệp, người sản xuất cần không ngừng đổi mới, triệt để ứng dụng khoa học - công nghệ, khơi dậy bản lĩnh, ý chí, sức sáng tạo của người Việt Nam trong sản xuất, kinh doanh, chú trọng xây dựng thương hiệu hàng Việt, phấn đấu hàng hóa Việt Nam phải đảm bảo các điều kiện về bảo vệ môi trường, an toàn, chất lượng cao, giá thành hạ, tính cạnh tranh lớn, chinh phục được người tiêu dùng Việt Nam, chiếm lĩnh thị trường trong nước, thâm nhập sâu vào thị trường quốc tế.
Đồng thời, các cơ chế, chính sách về cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh cần sớm được nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người sản xuất tháo gỡ khó khăn, tập trung kết nối cung – cầu; đẩy mạnh liên kết giữa nhà sản xuất – nhà phân phối – người tiêu dùng…
Nhấn mạnh việc triển khai Cuộc vận động, thúc đẩy tiêu dùng trong nước là góp phần phát triển sản xuất, tạo việc làm, tạo động lực phát triển đất nước, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng khẳng định: Để người tiêu dùng được sở hữu những sản phẩm chất lượng, có giá cả cạnh tranh, phù hợp với khả năng chi trả thì điều quan trọng là phải có tiền, muốn có tiền phải có sản xuất, có việc làm. Do đó, vận động dùng hàng Việt chính là tạo ra việc làm cho người tiêu dùng, phát triển kinh tế bền vững, cho nên phải có được các chính sách thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng trong nước phát triển.
Dưới góc độ Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, Cuộc vận động là động lực, yêu cầu khách quan để Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương nỗ lực hoàn thiện hệ thống cơ chế - chính sách khuyến khích mọi loại hình doanh nghiệp; mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm Việt. Đồng thời, các cấp, ngành, doanh nghiệp cần chung tay tập trung thực hiện các giải pháp xúc tiến thương mại trong nước, lành mạnh hóa mạng lưới phân phối, ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn hàng hóa phù hợp với cam kết quốc tế nhằm từng bước kiểm soát nhập khẩu và trật tự thị trường. Đặc biệt, các ngành chức năng cần tăng cường công tác quản lý thị trường, xử lý nghiêm các hành vi mua bán hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, hàng nhập khẩu trái phép...
“Cần phát huy vai trò của Mặt trận và các đoàn thể, tổ chức xã hội, nghề nghiệp, các cơ quan tuyên truyền, thông tấn, báo chí trong công tác tuyên truyền về Cuộc vận động, vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên, người tiêu dùng ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng Việt Nam, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam trong giai đoạn mới”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh đổi mới, ứng dụng khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ; thực hiện các cam kết bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; xây dựng được thương hiệu sản phẩm, hàng hóa Việt Nam, từ đó mở rộng, nâng cao hiệu quả các giải pháp khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Đặc biệt doanh nghiệp Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng khoa học công nghệ, thực hiện cam kết bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ hàng hóa mang thương hiệu Việt Nam…
Tại Hội nghị, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tặng bằng khen biểu dương 82 tập thể và 147 cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong 10 năm qua./.