Nghi Lộc: Xây dựng Nông thôn mới từ sự đồng lòng của người dân

17:01 09/01/2021

Năm 2020, Nghi Lộc quyết tâm đưa 7/28 xã còn lại hoàn thành mục tiêu Quốc gia về Nông thôn mới, đa phần trong số này là những địa bàn hết sức khó khăn, đặc thù, trong đó 4 xã bãi ngang ven biển, 1 xã miền núi, 2 xã có trên 50% đồng bào theo đạo Công giáo.

Ban Thường vụ Huyện uỷ Nghi Lộc nghe và cho ý kiến về kết quả xây dựng Nông thôn mới tại các xã phấn đấu về đích năm 2020

Xác định xây dựng Nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, cần phải huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị với nhiều giải pháp đồng bộ, thiết thực. Thời gian qua, MTTQ các cấp trong huyện đã phát huy tốt vai trò nòng cốt trong việc củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân xây dựng nông thôn mới. Ông Lê Văn Dũng - Phó Bí thư Huyện ủy chia sẻ: “Mặc dù là huyện cửa ngõ trung tâm thành phố Vinh, tiếp giáp với thị xã Cửa Lò nhưng Nghi Lộc lại là địa phương đi lên từ xuất phát điểm khá thấp, có 6 xã ven biển, 7 xã miền núi, địa hình bán sơn địa trải dài, nhiều nơi dân cư phân bố khá thưa, đông đồng bào Công giáo chiếm 25,3%, trình độ nhận thức của người dân không đồng đều. Những năm gần đây, toàn huyện tập trung cao cho công tác giải phóng mặt bằng để thu hút đầu tư, triển khai các dự án lớn của trung ương, tỉnh. Muốn xây dựng Nông thôn mới thành công, hơn lúc nào hết Nghi Lộc phải phát huy tối đa vai trò chủ thể của người dân, chính vì vậy công tác tuyên truyền, vận động phải tích cực và đi trước một bước, từ đó tạo sự đồng thuận xã hội sâu sắc để dân hiểu, dân tin, dân hưởng ứng bằng sự tham gia bàn bạc, hiến kế, đóng góp các nguồn lực” .

Nhân dân xã Nghi Phương, huyện nghi Lộc tích cực đóng góp công sức xây dựng đường giao thông nông thôn

Còn theo ông Chu Văn Hải - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Nghi Phương, địa phương có gần 60% đồng bào Công giáo chia sẻ: “Để lan tỏa phong trào thi đua xây dựng Nông thôn mới, MTTQ và các đoàn thể ở địa phương đã đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, tạo điều kiện để người dân hiểu rõ vai trò, ý nghĩa to lớn của xây dựng nông thôn mới, từ đó Nhân dân không kể giáo lương đều hăng hái tham gia bằng việc làm cụ thể, thiết thực, phù hợp với hoàn cảnh của mình như đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tích cực hiến kế, hiến công, chung sức, đồng lòng xây dựng nông thôn mới”.

Trụ sở làm việc của xã Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc

Dấu ấn nổi bật trong xây dựng Nông thôn mới ở Nghi Lộc là phong trào hiến đất, hiến tài sản, đóng góp ngày công được các tầng lớp Nhân dân hưởng ứng tích cực, trong đó có nhiều vị chức sắc, chức việc, đồng bào giáo dân trên địa bàn tham gia, tiêu biểu là giáo xứ Tân Yên (Nghi Diên), Làng Anh (Nghi Phong), Hội Yên (Nghi Văn), Làng Nam (Nghi Trung), La Nham (Nghi Yên), Đồng Vông (Nghi Xá), Trang Cảnh (Nghi Xuân), Trung Hậu (Nghi Hoa)… Chỉ riêng tại giáo xứ Thượng Lộc (Nghi Vạn), bà con giáo dân đã hiến 3.000m 2 đất, đóng góp hơn 1 tỷ đồng, 1.200 ngày công để góp sức xây dựng nông thôn mới; đặc biệt linh mục Nguyễn Hiệu Phượng, quản xứ Tân Yên đã vận động bà con di dời 8,5 km tường bao, hiến đất, ủng hộ xã Nghi Diên 200 tấn xi măng để làm đường bê tông nông thôn. Tính chung từ năm 2011 - 2020, người dân đã tham gia hơn 7 triệu ngày công, hiến gần 20.030m 2 đất nông nghiệp, đào đắp gần 8.200.000m 3 đất bờ vùng, bờ thửa, chỉnh trang đồng ruộng, làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng. Bên cạnh đó, hàng ngàn hộ dân còn tự nguyện tháo dỡ tường bao, nhà ở, công trình phụ, hiến đất thổ cư với tổng giá trị hàng chục tỷ đồng để mở rộng đường giao thông nông thôn; nhiều tập thể, cá nhân, con em xa quê, việt kiều ủng hộ tiền mặt từ 50 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng. Song song với vận động các nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới, Nghi Lộc hết sức quan tâm đồng bộ các thiết chế văn hóa, nâng cao chất lượng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa gắn với đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, bài trừ tệ nạn xã hội và hủ tục lạc hậu, thực hiện tốt mô hình thu gom, xử lý rác thải, tích cực trồng hoa, cây xanh làm đẹp thêm đường làng, ngõ xóm. Đến nay, tỷ lệ làng văn hóa toàn huyện chiếm 83,85%, 126/206 cơ quan, đơn vị, 137 dòng họ đạt chuẩn văn hoá, tỷ lệ gia đình văn hoá đạt 87,9%, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 47 triệu đồng/năm. Nhiều địa phương mặc dù điều kiện hết sức khó khăn, vướng quy hoạch “treo”, tưởng chừng như xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ bất khả thi nhưng nhờ quyết tâm cao và đồng thuận hưởng ứng của người dân nên đến nay đã có bước chuyển mình đáng khích lệ, bộ mặt địa phương thật sự có nhiều khởi sắc.

Thị trấn Quán hành nhìn từ trên cao

Đơn cử Nghi Kiều là xã miền núi, xa trung tâm huyện gần 25 km, địa bàn rộng tương đương thị xã Cửa Lò, trước đây nhiều nơi đường sá hư hỏng, nắng thì bụi bặm, ổ gà, mưa xuống lầy lội trơn trượt, cơ sở hạ tầng kinh tế thiếu thốn trầm trọng. Thế nhưng, nhờ cơ chế hỗ trợ xi măng của tỉnh, huyện cùng quyết tâm của lãnh đạo xã và đồng lòng của bà con Nhân dân, bộ mặt địa phương thay đổi rõ rệt. Riêng năm 2020 toàn xã vận động được 6 tỷ đồng, làm mới trên 30 km đường bê tông, đến nay cơ bản các tuyến đường được bê tông hóa, kênh mương nội đồng dẫn nước tưới mát đến tận từng thửa ruộng. Đặc biệt, người dân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng mùa vụ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, hình thành một số mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, nhờ vậy Nghi Kiều có kinh tế tăng trưởng khá, kết cấu hạ tầng phát triển nhanh, bộ mặt nông nghiệp, nông thôn khởi sắc, tổng giá trị sản xuất năm 2020 ước đạt trên 462 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 41,2 triệu đồng/năm, tăng 18,4 triệu đồng/người/năm so với năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,04%. Văn hoá xã hội của địa phương cũng có nhiều tiến bộ, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt trên 87%, 10/13 xóm được công nhận danh hiệu “Làng văn hóa” cấp huyện. Còn đối với xã bãi ngang ven biển Nghi Tiến, trước đây đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn, nhưng nhờ quyết tâm xây dựng nông thôn mới bằng lộ trình, kế hoạch cụ thể, đến nay các tuyến đường đều được bê tông hóa, hệ thống kênh mương nội đồng được kiên cố, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,51%, thu nhập bình quân đầu người đạt 45 triệuđồng/người/năm.

Lãnh đạo Tỉnh kiểm tra kết quả Xây dựng Nông thông mới tại huyện Nghi Lộc

Nhằm huy động tối đa các nguồn lực tham gia xây dựng Nông thôn mới, cấp ủy, chính quyền đã giao trách nhiệm cụ thể cho MTTQ, phối hợp các tổ chức thành viên triển khai các công trình, phần việc cụ thể để tuyên truyền vận động đoàn viên, hội viên tích cực hưởng ứng tham gia gắn với xây dựng các mô hình cụ thể phù hợp vai trò, nhiệm vụ của mỗi tổ chức như Hội Nông dân với phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; Hội LHPN với phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; Đoàn thanh niên với phong trào “Tuổi trẻ chung sức xây dựng nông thôn mới”; Hội CCB với phong trào "Cựu chiến binh gương mẫu", người cao tuổi với phong trào thi đua “Tuổi cao gương sáng”.... Nhờ phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân mà chương trình xây dựng nông thôn mới đã đạt kết quả toàn diện. Từ năm 2011 đến nay, toàn huyện đã huy động tiền mặt, ngày công, hiến đất, tài sản... có giá trị quy đổi ước đạt 922.136 tỷ đồng, trong đó Nhân dân và con em xa quê đóng góp 298 tỷ đồng.

Mô hình trồng dưa lưới theo tiêu chuẩn Vietgap tại xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc

Nhờ sự tập trung cao, quyết liệt và đồng bộ của cả hệ thống chính trị, đến hết năm Nghi Lộc có thêm 7 xã Nghi Quang, Nghi Yên, Nghi Thuận, Nghi Phương, Nghi Kiều, Nghi Tiến, Nghi Thiết được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đến nay 28/28 xã đã được UBND tỉnh Nghệ An công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; cơ bản các tiêu chí xây dựng huyện Nông thôn mới đã hoàn thành và đang trình hồ sơ đề nghị Ban chỉ đạo tỉnh thẩm định Huyện nông thôn mới trong thời gian tới.

Mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp trên địa bàn nhiệm kỳ 2020 - 2025, đến năm 2025 cơ bản các địa phương đều hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, trong đó phấn đấu ít nhất 4 - 5 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Để làm được điều này, Nghi Lộc tập trung các giải pháp tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tranh thủ tối đa mọi nguồn lực, đặc biệt là sự đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn, doanh nghiệp, con em xa quê và xem đây là một trong những nhân tố quyết định thành công của phong trào, tạo động lực để huyện nhà sớm trở thành địa phương phát triển nhanh và toàn diện của tỉnh trong thời gian tới.

Đậu Khắc Thân

LIÊN KẾT WEBSITE

 
 
 

Các đơn vị khác