Tâm huyết của cử tri gửi đến kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh

08:07 04/07/2023

Trước kỳ họp thứ 14, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVIII, cử tri trong tỉnh phản ánh nhiều vấn đề tồn tại trong thực tiễn và kỳ vọng các cấp, ngành có giải pháp giải quyết hiệu quả hơn.

Ảnh PV Đại biểu Nhân dân


Dự án đầu tư xây dựng đê chống lũ sông Lam đi xã Thanh Liên dài 6 km, nhưng mới chỉ làm được hơn 3 km đã dừng hơn 1 năm nay (từ đầu năm 2022). Do làm dang dở, cho nên trong đợt mưa lụt cuối năm 2022 vừa qua, nước từ thượng nguồn đổ về tạo thành “túi nước” tại đoạn chưa làm đê, gây sạt lở đất sản xuất nông nghiệp của người dân với chiều dài sạt hơn 1 km và độ sâu sạt lở vào 5 m; đồng thời làm sạt lở công trình trạm bơm tưới tiêu của địa phương và nguy cơ sẽ bị cuốn trôi trạm bơm này nếu đoạn đê còn lại không được đầu tư tiếp và kịp thời. Vì vậy, đề nghị tỉnh và Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (đơn vị chủ đầu tư dự án) khẩn trương triển khai tiếp dự án này.

Cùng đó, dự án nâng cấp từ Quốc lộ 46C đi qua địa bàn do hệ thống mương thoát nước không đảm bảo, dẫn đến gây ngập úng cục bộ đối với 385 hộ dân xóm Liên Khai khi mưa lớn. Đề nghị tỉnh làm việc với các đơn vị liên quan tiến hành khảo sát và xử lý thông tuyến hệ thống mương rãnh dọc Quốc lộ 46C, khắc phục tình trạng ngập úng cục bộ cho các hộ dân bị ảnh hưởng ở địa phương.

* * *
Hiện ở thôn 10, xã Quỳnh Lộc có 435 hộ dân, trong đó có hơn 300 hộ có đất và nhà ở kiên cố thuộc bản đồ địa giới hành chính thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Mặc dù quản lý hành chính, nhân khẩu và các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh và an sinh xã hội thuộc phạm vi của xã Quỳnh Lộc (thị xã Hoàng Mai), nhưng quản lý về đất đai lại thuộc về thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Chính vì vậy, hiện hơn 300 hộ này chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mặc dù có nhiều hộ đã sinh sống và sử dụng đất hợp pháp từ những năm 60 của thế kỷ trước, nghĩa là cách đây khoảng 60 năm. Điều này vừa gây khó khăn cho xã Quỳnh Lộc trong quản lý đất đai bởi không thuộc thẩm quyền, trong khi chính quyền thị xã Nghi Sơn (tỉnh Thanh Hóa) lại không quan tâm. Như vậy, quyền lợi chính đáng của người dân bị ảnh hưởng, nhất là trong việc làm thủ tục xin cấp phép xây dựng nhà ở, hay vay vốn ngân hàng phát triển kinh tế, hoặc thực hiện các quyền chuyển nhượng tặng, cho, bán…, đều không thực hiện được.

Vì vậy, đề nghị tỉnh Nghệ An cần quan tâm làm việc với tỉnh Thanh Hóa và các bộ, ngành Trung ương để điều chỉnh lại địa giới hành chính, đưa diện tích đất ở của hơn 300 hộ dân về xã Quỳnh Lộc quản lý; tạo điều kiện cho các hộ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân, đồng thời thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về đất đai.

* * *
Xã Châu Tiến có hơn 98% đồng bào dân tộc thiểu số; điều kiện kinh tế - xã hội còn có những khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo chiếm 32,2%. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ưu tiên nhiều chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; trong đó có 3 chương trình mục tiêu quốc gia, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện cả 3 chương trình, thực trạng chung là việc giải ngân nguồn vốn chậm và có những bất cập.

Như chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi, giai đoạn 2021 – 2025, địa phương được phân bổ 10 tỷ đồng cho 3 hạng mục công trình, gồm: Xây dựng mới trường mầm non; xây dựng nhà văn hoá đa chức năng ở 2 bản; sửa chữa, nâng cấp trạm y tế. Riêng trường mầm non với tổng nguồn được phê duyệt 5,5 tỷ đồng và phân khai trong 3 năm 2022, 2023, 2024; trong khi đó theo Luật Đầu tư công, thời gian hoàn thành công trình là 10 tháng kể từ ngày khởi công (công trình đã khởi công xây dựng tháng 2/2022) và điều kiện kinh tế của địa phương khó khăn, không có vốn tạm ứng cho đơn vị thi công. Đây là bất cập, đề nghị tỉnh quan tâm bố trí đủ vốn cho công trình này theo tiến độ Luật Đầu tư công quy định.

Cùng đó, hiện vốn cho hai hạng mục đầu tư nhà văn hoá bản và trạm y tế cũng đang chậm. Còn chương trình giảm nghèo bền vững năm 2022 và năm 2023 đều chưa được giải ngân, ảnh hưởng đến kế hoạch triển khai của địa phương liên quan đến xây dựng hệ thống cấp nước sinh hoạt phân tán cho người dân và hỗ trợ phát triển các mô hình chăn nuôi. Vì vậy, đề nghị các cấp, các ngành nghiên cứu có giải pháp tháo gỡ, tạo điều kiện phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói chung, xã Châu Tiến nói riêng.

* * *
Bộ phận Một cửa là kênh giao dịch chính giữa nhân dân với chính quyền. Vì vậy, các địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh luôn quan tâm, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức có trình độ đạt chuẩn, có đạo đức và kinh nghiệm tiếp công dân tại bộ phận này. Khối lượng hồ sơ thủ tục hành chính ngày càng tăng cao, nhất là trong lĩnh vực tư pháp, đất đai, xây dựng, đầu tư, chính sách… đã tạo áp lực rất lớn cho người làm việc tại bộ phận Một cửa. Hơn nữa, cán bộ vừa phải trực tại bộ phận Một cửa, vừa phải thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

Tôi được biết, tại Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XVIII sẽ xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết quy định chế độ hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại bộ phận Một cửa các cấp trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Đó sẽ là chính sách rất thiết thực hỗ trợ cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại bộ phận Một cửa, là nguồn động viên, khuyến khích kịp thời cho để chúng tôi nỗ lực hơn nữa trong công tác.

* * *
Hiện nay, nhiều thôn bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, điều kiện cơ sở hạ tầng còn rất khó khăn và thiếu thốn, đặc biệt là thiếu nguồn nước sạch cho sinh hoạt của người dân. Trên địa bàn xã đã có một số công trình nước sinh hoạt được đầu tư xây dựng, nhưng do đầu tư đã lâu, nay bị hư hỏng, xuống cấp, tình trạng hạn hán lại kéo dài nên nhiều công trình không phát huy được công năng. Người dân vẫn đang sử dụng nguồn nước từ khe núi, tự dẫn nước về nhà nhưng đến nay hệ thống nước này không còn hoạt động.

Chúng tôi kiến nghị Nhà nước sớm ban hành cơ chế và hỗ trợ nguồn lực để địa phương đầu tư xây dựng thêm các cụm công trình nước sinh hoạt tập trung tại các địa bàn vùng đồng bào dân tộc, vùng cao, nhằm giải quyết những khó khăn về nước sinh hoạt. Đề nghị trong chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cũng như các chính sách của HĐND tỉnh cần đưa vấn đề hỗ trợ nước sinh hoạt là một trong những nội dung trọng điểm.

* * *
Đội ngũ cán bộ khối, xóm, bản là những người gắn bó trực tiếp với người dân để triển khai chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống. Điều này đã đặt lên vai những cán bộ không chuyên trách này những trọng trách nặng nề, nhất là sau khi sáp nhập khối, xóm, bản, phạm vi quản lý mở rộng. Tuy nhiên, chế độ, chính sách hiện tại cho đội ngũ này chưa tương xứng. Chính điều này làm cho nhiều người không mặn mà với công việc, thậm chí, hễ gặp khó khăn thì thoái thác, nhiều trường hợp xin nghỉ việc.

Một thực tế hiện nay là đội ngũ cán bộ thôn, xóm đa phần tuổi đời cao, nhất là bí thư chi bộ, chủ yếu là cán bộ về hưu. Họ rất nhiệt tình nhưng việc áp dụng công nghệ thông tin để xử lý các văn bản khó khăn. Từ thực trạng này, thiết nghĩ, các cấp, ngành cần tạo cơ chế, có chính sách “kích cầu” để những người trẻ tham gia làm cán bộ khối, xóm, bản; cần quan tâm đến chế độ, chính sách đối với cán bộ khối, xóm sau sáp nhập.

Nguồn Báo Nghệ An

LIÊN KẾT WEBSITE

 
 
 

Các đơn vị khác