Khơi dậy nguồn lực, tăng tốc phát triển từ Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị

07:09 15/09/2023

Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị là sự ủng hộ của Trung ương đối với tỉnh Nghệ An trên nhiều lĩnh vực và nhiều địa bàn trong tỉnh. Đây là thời điểm, cơ hội “vàng” để Nghệ An bứt tốc phát triển và xây dựng tỉnh xứng đáng với tầm vóc quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh.

XÁC ĐỊNH PHÁT TRIỂN 6 ĐÔ THỊ ĐỘNG LỰC

Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị là sự ủng hộ của Trung ương đối với tỉnh Nghệ An trên nhiều lĩnh vực và nhiều địa bàn trong tỉnh. Với riêng huyện Đô Lương được xác định rõ trong nghị quyết là nâng cấp trở thành một trong 6 đô thị động lực cùng các đô thị: Thành phố Vinh, Diễn Châu, Con Cuông, thị xã Thái Hoà, thị xã Hoàng Mai; trở thành điểm kết nối giữa các huyện phía Tây với thành phố Vinh, khu kinh tế Đông Nam và các huyện ven biển trong tỉnh. Huyện cũng nằm trong hành lang kinh tế Quốc lộ 7 với các ngành nghề phát triển trọng tâm được xác định. Nhiệm vụ này “song trùng” với quy hoạch tỉnh và Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh khoá XIX đề ra: Xây dựng Đô Lương trở thành thị xã trước năm 2030.
Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở ở Đô Lương đã tập trung thực hiện một số nội dung, đảm bảo các điều kiện phát triển. Bao gồm hoàn thành quy hoạch vùng huyện và quy hoạch chung đô thị Đô Lương, gắn với tập trung kêu gọi thu hút đầu tư, triển khai một số dự án, công trình; quyết liệt chỉ đạo hoàn thành nhiệm vụ huyện nông thôn mới…

Thị trấn Đô Lương nhìn từ trên cao đã mang vóc dáng của đô thị trẻ tương lai. (Ảnh tư liệu: Quang Dũng)

Để đảm bảo “mảnh ghép” của Đô Lương thành công cùng với toàn bộ “bức tranh” Nghị quyết số 39 về Nghệ An, Ban Thường vụ Huyện ủy Đô Lương xác định nội lực là quan trọng để khơi dậy, lan toả ý chí quyết tâm, khát vọng đổi mới, xây dựng huyện Đô Lương thành đô thị động lực trong toàn Đảng bộ và Nhân dân; trong đó tăng cường đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng theo tinh thần Nghị quyết số 28 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; kiện toàn quy hoạch, sử dụng hiệu quả nguồn lực là những vấn đề trọng tâm.
Cùng nội lực, yếu tố ngoại lực sẽ là động lực, đòn bẫy quan trọng với các cơ chế, chính sách và nguồn lực hỗ trợ từ Trung ương, tỉnh cùng với sự kết nối của các địa phương lân cận. Bởi vậy, huyện mong muốn Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành nghị quyết riêng về Đô Lương, trong đó cho phép địa phương có nguồn vay từ Nghị quyết số 36 của Quốc hội; nguồn thu tăng thêm của tỉnh và nguồn sử dụng đất tại huyện. Đồng thời kiến nghị tỉnh cho phép huyện quy hoạch hai vùng phát triển, gồm vùng công nghiệp hỗ trợ, phụ trợ phía Đông và vùng dịch vụ thể thao chất lượng cao phía Tây; tạo cơ hội cho Đô Lương kết nối, tiếp cận mời gọi các nhà đầu tư vào địa bàn…

* * * * *

Nghị quyết 39 ra đời trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị, bởi vậy tinh thần nghị quyết phù hợp và sát thực tiễn; đặc biệt có hai mục tiêu, đến năm 2030 tỉnh nghệ An là trung tâm vùng Bắc Trung Bộ và đến năm 2045 là một trong những động lực phát triển của vùng Bắc Trung Bộ.
Nghị quyết lần này cũng đã xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm rất cụ thể của từng cơ quan, đơn vị từ Trung ương đến địa phương mang tính đồng bộ, quyết liệt. Ngay việc sắp tới đây vào ngày 16/9/2023, Ban Bí thư Trung ương Đảng mà trực tiếp do đồng chí Trương Thị Mai - Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương cùng Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ban, ngành Trung ương về Nghệ An phối hợp với tỉnh tổ chức quán triệt, triển khai Nghị quyết số 39; thể hiện rõ quyết tâm của Trung ương đối với phát triển của Nghệ An trong thời gian tới. Đối với Nghệ An, đây là thời điểm, cơ hội “vàng” để bứt tốc phát triển và xây dựng tỉnh xứng đáng với tầm vóc quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thị xã Thái Hoà thu hút đầu tư dự án đô thị. (Ảnh: Mai Hoa)

Cùng với cơ hội chung của tỉnh, thị xã Thái Hoà được xác định là 1 trong 6 đô thị động lực của tỉnh và nằm trong hai hành lang kinh tế đường mòn Hồ Chí Minh và hành lang kinh tế Quốc lộ 48. Đây là điều kiện thuận lợi để thị xã tăng tốc, liên kết chặt chẽ với các khu vực: Nam Thanh - Bắc Nghệ; hành lang kinh tế Quốc lộ 1A, góp phần thực hiện thành công mục tiêu Nghị quyết số 02 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra, xây dựng thị xã Thái Hoà trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Bắc và trở thành thành phố trước năm 2030.
Để thực hiện tốt Nghị quyết 39, cùng với sự đồng hành, hỗ trợ từ Trung ương và tỉnh, Ban Thường vụ Thị ủy Thái Hoà cũng xác định rõ trách nhiệm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt quan tâm đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ - đây là khâu “then chốt” của “then chốt”; lựa chọn đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị, có trách nhiệm cao, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, vì công việc chung của các ngành và địa phương.

* * * * *

Ngày 18/7/2023, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 39 về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết tiếp tục xác định rõ thành phố Vinh là trung tâm kinh tế - văn hoá của cả vùng Bắc Trung Bộ, đô thị động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh; đồng thời đặt ra yêu cầu đối với Trung ương và tỉnh quan tâm tập trung đầu tư và có cơ chế, chính sách vượt trội để phát triển thành phố Vinh. Đây chính là những nổi trội, cơ hội lớn và ý nghĩa vô cùng quan trọng mà nghị quyết mang lại đối với sự phát triển của thành phố Vinh trong thời gian tới, nhất là khi thành phố mở rộng địa giới hành chính.

Cải tạo, nâng cấp hệ thống giao thông trên địa bàn thành phố Vinh. (Ảnh: Mai Hoa)

Nghị quyết số 39 là cơ hội để thành phố thu hút đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng; đây cũng là cơ sở để thành phố xây dựng các chỉ tiêu, mục tiêu phát triển giai đoạn 2025 - 2030 và giai đoạn tiếp theo, bởi thời gian thực hiện nghị quyết đến năm 2045; góp phần thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của thành phố đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020 - 2025. Chính vì vậy, hiện nay, thành phố Vinh đang sẵn sàng để khi Nghị quyết số 39 được quán triệt, triển khai cùng với kế hoạch, chương trình hành động của Trung ương, của tỉnh cũng sẽ xây dựng các kế hoạch, nhiệm vụ, giải pháp và phân công trách nhiệm cụ thể từng cấp, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị để thực hiện.
Cùng với xác định rõ trách nhiệm, chủ động triển khai, đưa Nghị quyết số 39 sớm đi vào cuộc sống, thành phố cũng mong muốn Trung ương và tỉnh sớm có văn bản hướng dẫn, nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Vinh trên từng lĩnh vực để thành phố có cơ hội và thực hiện các định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển thành phố đã được xác định rõ trong nghị quyết.

PHÁT TRIỂN CÁC LĨNH VỰC, MŨI KINH TẾ TRỌNG TÂM

Huyện Quỳnh Lưu một trong đơn vị có tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế biển với gần 20 km bờ biển và 2 cửa lạch; có nghề khai thác hải sản truyền thống với tổng số tàu thuyền nằm trong tốp đầu của tỉnh; có sản lượng khai thác hải sản hàng năm lớn nhất tỉnh. Bên cạnh đó, huyện có diện tích nuôi trồng thủy sản và tiềm năng nuôi hải sản ven biển lớn; gắn với nhiều tiềm năng phát triển du lịch biển.
Với tiềm năng, thế mạnh của địa phương cùng với quan điểm, định hướng phát triển được Bộ Chính trị xác định cho tỉnh Nghệ An trong Nghị quyết số 39 là đẩy mạnh phát triển kinh tế biển cùng với kinh tế số, kinh tế cửa khẩu, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; đây là cơ sở, hành lang quan trọng để huyện Quỳnh Lưu phát triển nhanh trên cơ sở đầu tư phát triển kinh tế từ biển. Bao gồm tiếp tục đầu tư khoa học, công nghệ, đặc biệt là các tiến bộ khoa học khâu bảo quản, chế biến sau khai thác nhằm nâng cao giá trị sau khai thác, nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời góp phần hạn chế khai thác không đúng quy định. Bên cạnh khai thác, huyện cũng sẽ chú trọng quy hoạch, đầu tư nhằm chuyển hướng trọng tâm nuôi trồng theo chiều sâu, giảm áp lực khai thác hải sản.

Huyện Quỳnh Lưu ưu tiên phát triển nuôi trồng thuỷ sản, góp phần giảm áp lực ngành khai thác hải sản. (Ảnh: Mai Hoa)

Song song khai thác, nuôi trồng, Quỳnh Lưu cũng đang tận dụng thế mạnh vùng bãi ngang ven biển để phát triển các loại rau màu hàng hoá, phục vụ thị trường trong tỉnh, trong nước và xuất khẩu, tạo sinh kế bền vững cho người dân. Một hướng đi mới mà huyện cũng đang xác định hướng tập trung là phát triển du lịch nghỉ dưỡng, tắm biển.
Để các định hướng, nhiệm vụ phát triển của Nghị quyết số 39 đi vào cuộc sống, kiến nghị Trung ương và tỉnh sớm ban hành kế hoạch thực hiện, trong đó chú trọng ban hành các cơ chế, chính sách, quan tâm ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng cho các địa phương ven biển, vừa phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế toàn diện, vừa phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu, an sinh xã hội.

* * * * *

Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 39 về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đây là cơ hội, động lực rất lớn, đáp ứng khát vọng vươn lên của Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Nghệ An trên tất cả các mặt kinh tế, văn hoá - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
Đặt trong bối cảnh chung của tỉnh, rất mừng, trong Nghị quyết số 39, huyện Thanh Chương cũng được nhìn nhận và định hướng rất cụ thể trong các nhiệm vụ và giải pháp. Cụ thể, đầu tư, xây dựng tuyến cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn, đoạn qua Nghệ An đi qua huyện Thanh Chương. Đây là yếu tố quan trọng mở ra cơ hội, tiềm năng rất lớn đối với địa phương trong việc kết nối phát triển thương mại, dịch vụ; kết nối giữa Đông Bắc Thái Lan - Lào và Việt Nam, trong đó trực tiếp là Thanh Chương và Nghệ An. Đây cũng sẽ mở ra cơ hội phát triển du lịch từ nước trong khu vực như Thái Lan, Lào đến với Thanh Chương, gắn với trục đường Hồ Chí Minh đi qua Thanh Chương và khoảng cách về quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, kết nối với biển Cửa Lò, thành phố Vinh trong khoảng cách đường bộ gần hơn. Mặt khác, khi tuyến đường này được triển khai, đi vào hoạt động cùng với cửa khẩu Thanh Thủy thì sẽ quan tâm đầu tư và thu hút các nhà đầu tư vào các cụm công nghiệp cùng với cụm công nghiệp Thanh Thủy sẽ góp phần đưa địa phương phát triển.

Thanh Chương tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao. (Ảnh: Mai Hoa)

Cùng với yếu tố, cơ hội phát triển trên, trong định hướng phát triển cho tỉnh của Trung ương đặt ra với các mũi tập trung: kinh tế biển, kinh tế số, kinh tế cửa khẩu, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; Thanh Chương có lợi thế để phát triển kinh tế xanh, kinh tế cửa khẩu. Trong đó quan tâm phát triển nông nghiệp công nghệ cao; phát huy tiềm năng mảnh đất có bề dày truyền thống văn hoá - lịch sử, có hệ thống rừng nguyên sinh và các thác trên dãy Trường Sơn, có đảo chè… để phát triển du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái, du lịch canh nông…
Quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ, giải pháp được đề cập trong Nghị quyết số 39 rất rõ và cụ thể. Để triển khai hiệu quả nghị quyết, trước hết công tác học tập, quán triệt, chuyển được tinh thần, những nội dung cốt lõi của nghị quyết đến được tất cả cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nắm rõ để cùng nhau tạo ra sức mạnh tổng hợp để thực hiện. Yêu cầu từ người lãnh đạo, quản lý đến đội ngũ công chức, viên chức, doanh nghiệp và người dân đều phải vào cuộc quyết liệt, tạo chuyển biến về nhận thức, tư duy với khát vọng vươn lên để thực hiện nghị quyết. Tập trung huy động tiềm năng, lợi thế về tài nguyên thiên nhiên của tỉnh và của từng địa phương; gắn phát huy nội lực và ngoại lực như trong nghị quyết cũng đề cập đến vấn đề liên kết vùng và sự giúp đỡ của các tỉnh, thành phố, đặc biệt là khu vực Bắc Trung Bộ để vào cuộc cùng với Nghệ An phát triển.

* * * * *

Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã gắn việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế với chuyển đổi số, đồng thời nhấn mạnh việc chú trọng phát triển kinh tế số cũng như tập trung phát triển hạ tầng số, xem đây là một trong những đột phá của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo.
Là doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin, VNPT Nghệ An nhận thức rất sâu sắc về vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tham gia vào quá trình xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số của tỉnh. Thực tiễn, thời gian qua, VNPT Nghệ An đã chung tay cùng các cấp, các ngành của tỉnh triển khai thành công nhiều giải pháp lớn. Như xây dựng trung tâm điều hành thông minh của tỉnh IOC; hệ thống dịch vụ công trực tuyến và 1 cửa điện tử liên thông Igate; hệ thống quản lý và điều hành văn bản 3 cấp Ioffice; nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu LGSP; hệ thống quản lý giáo dục VNPT Edu; hệ thống quản lý các bệnh viện VNPT HIS; hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến liên thông 3 cấp 2 chiều xuống cấp xã…

Cán bộ VNPT thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. (Ảnh: Mai Hoa)

Để những chủ trương chuyển đổi số theo tinh thần Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị sớm đi vào cuộc sống, từ góc nhìn của doanh nghiệp, thiết nghĩ tỉnh cần hoàn thiện hành lang pháp lý, có cơ chế, chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cũng như đóng vai trò dẫn dắt và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; đặc biệt trong các lĩnh vực phát triển hạ tầng công nghệ thông tin dùng chung; cơ sở dữ liệu dùng chung; đào tạo, tái đào tạo, thu hút và phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin… Quan tâm có cơ chế, giải pháp nâng cao trình độ, nhận thức và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin cho các tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Tỉnh cần xây dựng và công bố bộ chỉ số chuyển đổi số cho địa phương, tổ chức, doanh nghiệp; đồng thời xếp hạng mức chuyển đổi số hàng năm để các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp biết mình đang ở đâu trong quá trình chuyển đổi số và đây cũng là chỉ số quan trọng giúp lãnh đạo tỉnh, các nhà đầu tư, đối tác, người dân có thêm thông tin về chuyển đổi số ở từng ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, tạo cơ sở thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.
Theo nguồn: baonghean.vn

LIÊN KẾT WEBSITE

 
 
 

Các đơn vị khác