Chấn chỉnh tình trạng lộn xộn ở đền Ông Hoàng Mười

14:03 22/03/2024

Đền Ông Hoàng Mười là địa điểm tâm linh, hằng ngày đón rất nhiều lượng du khách thập phương đến hành hương. Nhưng thời gian qua, những hoạt động ở đây rất lộn xộn, đặc biệt là trong khâu kiểm soát nguồn tiền công đức.


Lập lờ tiền công đức

Trung tuần tháng 3, sau vụ việc thành viên Ban Quản lý đền Ông Hoàng Mười (xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên) lấy trộm tiền, gây dư luận xấu, tại đây vẫn đón rất nhiều du khách đến dâng hương. Bên trong ngôi đền, sau khi nhận được nhiều phản ánh, ban quản lý cũng đã có một số thay đổi.

Tuy nhiên, ngay khi vừa đặt chân đến ngôi đền này, vẫn là hình ảnh phản cảm tồn tại suốt nhiều năm qua. Đó là cảnh nhân viên của các bãi gửi xe ngay trước cổng đền mỗi lần thấy ô tô tiến vào lại cầm gậy đứng giữa đường chèo kéo, vẫy khách vào bãi.


Hoạt động tại đền Ông Hoàng Mười. Ảnh: PV


Bên trong đền, Ban Quản lý cũng vừa lắp camera giám sát tại nơi đặt thùng niêm phong nguồn tiền công đức. Trên các cung đặt lễ đã có biển chỉ dẫn “Không dâng tiền trên bàn thờ”.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, hầu hết người đến dâng lễ vẫn thờ ơ với hướng dẫn này. Ngay phía dưới tấm biển chỉ dẫn đó, vẫn còn rất nhiều xấp tiền được du khách dâng lên. Đây chính là nguồn tiền mà Ban Quản lý đền vẫn loay hoay chưa tìm ra giải pháp để kiểm soát chặt chẽ trong suốt thời gian qua.

Ban Quản lý đền Ông Hoàng Mười có 15 người, trong đó, tổ tác nghiệp 7 người và tổ bảo vệ 8 người. Hằng ngày, các thành viên chia 4 ca trực (mỗi ca 6-7 người), có nhiệm vụ gom tiền công đức tại các điện thờ bỏ vào két. Tuy nhiên, việc gom tiền xong có bỏ vào két hay không dường như lại không được kiểm soát.

Trong ca trực ngày 25/2, như thường lệ, ông B.V.T cùng các thành viên trong tổ trực thực hiện theo nhiệm vụ được phân công, thu tiền công đức được người dân đặt lễ tại các cung trong đền để bỏ vào hòm công đức. Quá trình thu tiền tại gian nhà Trung điện, ông B.V.T đã lấy trộm một số tiền bỏ vào vỏ hộp bánh sau đó mang về cất giấu trong phòng bảo vệ. Quá trình này bị một người quay video lại. Sau khi báo chí phản ánh, cơ quan công an đã làm rõ số tiền này hơn 1 triệu đồng. Công an huyện Hưng Nguyên sau đó đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 2,5 triệu đồng đối với hành vi trộm cắp tài sản của B.V.T, đồng thời trao trả lại Ban Quản lý đền Ông Hoàng Mười toàn bộ số tiền mà B.V.T đã lấy trộm.


Tiền lẻ đặt ngay dưới biển chỉ dẫn "không dâng tiền trên bàn thờ". Ảnh: PV


Vụ việc khiến dư luận đặt ra câu hỏi, tình trạng này liệu có phải từng xảy ra nhiều lần? Đặc biệt là trước đây, ngôi đền này cũng đã xảy ra không ít vụ việc tương tự. Theo đó, vào năm 2013, Ban Quản lý đền bị phát hiện thường xuyên chở tiền công đức ra ngoài để “thuê người kiểm đếm”. Lý do bao biện cho hành vi của Ban Quản lý là “công ty kiểm đếm cần nhiều tiền lẻ để phụ tiền cho khách hàng, Ban Quản lý có 9 người mà không giao họ kiểm đếm tiền do thành viên có một số người tuổi cao nên ngồi lâu bị đau lưng”. Sau vụ việc này, UBND xã Hưng Thịnh đã thay toàn bộ ban quản lý, đồng thời thay hòm công đức bằng két sắt.

Tuy nhiên, sau đó không lâu, vào cuối năm 2013, tại đây lại xảy ra vụ trộm gây xôn xao dư luận. Theo đó, do tiền công đức ở đây khá lớn nên UBND xã Hưng Thịnh cử thêm một số cán bộ tài chính, thủ quỹ phối hợp với Ban Quản lý để đếm tiền. Trong lúc mọi người đang đếm tiền, Phó ban Quản lý đền đã phát hiện một cán bộ xã giấu một gói tiền trong người đem đến vùi dưới chăn trên một chiếc giường trong phòng đếm tiền. Tổng số tiền trong gói tiền bị trộm là 20 triệu đồng.

Ban Quản lý sau đó tổ chức kiểm điểm, vị cán bộ xã này thú nhận "đã bàn với một số anh em cất số tiền này để Tết uống rượu". Sau khi liên tiếp xảy ra bê bối, cơ quan chức năng của huyện Hưng Nguyên đã vào cuộc nhằm chấn chỉnh Ban Quản lý đền, bảo vệ nguồn thu từ tiền công đức hằng năm. Theo đó, huyện Hưng Nguyên trực tiếp quản lý thay vì xã Hưng Thịnh như trước đây.

Kể từ khi UBND huyện Hưng Nguyên trực tiếp quản lý, nguồn tiền công đức thu được tại đền Ông Hoàng Mười tăng lên gấp nhiều lần. Theo đó, trước đây, trong vòng 11 năm, tiền công đức thu được nộp vào Kho bạc Nhà nước tổng cộng chỉ vỏn vẹn 1,5 tỷ đồng. Nhưng từ khi có Ban Quản lý mới vào năm 2014, bình quân mỗi năm số tiền công đức thu về là hơn 11 tỷ đồng, riêng năm 2023 là 17 tỷ đồng. Hiện tại, đền có 14 hòm công đức đặt tại 13 cung và nơi Ban Quản lý làm việc. Ngày bình thường, cứ cuối ngày là kiểm đếm tiền công đức và nộp Kho bạc Nhà nước. Riêng những ngày chuẩn bị giỗ ông Hoàng Mười (10/10 âm lịch) có rất đông du khách thập phương về thăm viếng, hầu đồng nên không thể kiểm đếm tiền trong ngày.


Tiền đặt vương vãi trên bàn thờ. Ảnh: PV


Sẽ từng bước chấn chỉnh

Theo lãnh đạo UBND huyện Hưng Nguyên, sau khi nhận được công văn chỉ đạo của UBND tỉnh, địa phương đã tổ chức nhiều cuộc họp để nghe báo cáo công tác quản lý về các di tích trên địa bàn; quy chế hoạt động của Ban Quản lý Di tích đền Ông Hoàng Mười; quy chế hoạt động của tổ giám sát tiền công đức do UBND huyện thành lập.

“Để từng bước chấn chỉnh, đưa mọi hoạt động tại di tích đi vào quy củ, UBND huyện đã chỉ đạo Ban Quản lý đền Ông Hoàng Mười họp để quán triệt một số nội dung. Ổn định tư tưởng của những người làm việc tại đền, không dao động trước những lời xúi giục, kích động của các phần tử không tốt. Phân công lại các ca trực đảm bảo điều hành mọi hoạt động tại đền. Giao việc thu gom tiền trên các bàn thờ cho các thành viên trong ban quản lý tham gia ca trực. Thực hiện việc chấm công, nghiêm túc trong việc mặc đồng phục, đeo thẻ; không uống rượu, bia trong thời gian làm nhiệm vụ tại đền. Thực hiện nếp sống văn minh, giao tiếp, đón tiếp du khách. Tăng cường công tác vệ sinh môi trường, phòng cháy, chữa cháy, an ninh, trật tự”, lãnh đạo UBND huyện Hưng Nguyên cho biết.

Về việc thành viên ban quản lý lấy trộm tiền, ngày 14/3, UBND huyện cũng đã họp xem xét xử lý các trường hợp trong ca trực ngày 25/2. Cụ thể, 1 người bị buộc thôi giữ chức vụ Phó ban; 1 người thôi tham gia thành viên Ban Quản lý; 1 người bị chấm dứt hợp đồng lao động.


Người dân bỏ tiền vào hòm công đức. Ảnh:PV


Cũng theo lãnh đạo UBND huyện Hưng Nguyên, địa phương đang tiến hành lựa chọn nhân sự đưa vào Ban Quản lý để đảm bảo tính kế thừa, phát huy có hiệu quả các giá trị của di tích. Thành lập tổ giám sát các hoạt động và nguồn công đức tại di tích. Việc quản lý đội ngũ thầy cúng sẽ được tăng cường chặt chẽ hơn, triển khai ký cam kết thực hiện các quy chế của di tích.

“UBND huyện đang rà soát bổ sung một số nội dung vào quy chế quản lý, tổ chức và hoạt động tại Di tích lịch sử - văn hoá đền Ông Hoàng Mười. Sau khi ban hành quy chế hoạt động, sẽ giao Ban Quản lý di tích ban hành các văn bản phân công nhiệm vụ, quy chế hoạt động nội bộ,... nhằm đảm bảo công tác quản lý, tổ chức các hoạt động được chặt chẽ, khoa học và chuyên nghiệp”, lãnh đạo UBND huyện Hưng Nguyên nói và cho hay, Ban Quản lý đền cũng đang phối hợp với Công an huyện xây dựng quy chế phối hợp đảm bảo công tác ANTT. Sau khi thống nhất sẽ tổ chức lễ ký cam kết thực hiện.


Hoạt động tại đền Ông Hoàng Mười sẽ được chấn chỉnh trong thời gian tới. Ảnh: PV



Ngoài ra, thời gian tới, UBND huyện Hưng Nguyên cũng tăng cường công tác quản lý khu dịch vụ (ốt, quán và bãi xe). Giao UBND xã Hưng Thịnh tiến hành ký cam kết với các chủ kinh doanh ốt, quán về việc không vẫy khách, chèo kéo khách gây phản cảm ở khu vực di tích.

“Bộ máy hoạt động tại đền hầu hết là những công dân xóm Xuân Am, trong lúc đó, số lượng cán bộ, công chức của huyện và xã tham gia vào bộ máy quản lý tại đền quá ít. Nên việc cử người vào Ban Quản lý cũng phải phù hợp với lĩnh vực công việc. Hơn nữa, những người kiêm nhiệm đang phải đảm nhận công việc chuyên môn khá nặng nề trong giai đoạn chuyên môn hoá cao, số lượng cán bộ tinh giản, nên một số hoạt động tại đền còn có tình trạng bảo vệ, bao che cho nhau. Đặc biệt, đa số người dân xóm Xuân Am còn mang nặng tư tưởng đền của xóm”, lãnh đạo UBND huyện Hưng Nguyên nói thêm.

Nguồn Báo Nghệ An

LIÊN KẾT WEBSITE

 
 
 

Các đơn vị khác