Với đặc thù địa hình, khí hậu của vùng núi cao, cùng với tập quán chăn nuôi lâu đời, gà đen đã là vật nuôi truyền thống của người dân huyện Kỳ Sơn. Phát huy lợi thế đó, huyện đã xây dựng đề án phát triển thương hiệu gà đen.
Xã Mường Lống có đặc thù khí hậu và địa hình được ví như “Sa Pa của xứ Nghệ” với nhiệt độ trung bình năm khoảng 20 độ C. Tại bản Mường Lống 1, hộ anh Vừ Vả Tu trước đây từng là hộ nghèo do nhiều năm kinh tế gia đình anh chỉ phụ thuộc vào diện tích nhỏ lúa rẫy và nuôi lợn đen. Song do dịch bệnh, lợn phát triển kém, hoặc chết, nên hộ anh Tu luôn ở tình cảnh thiếu thốn quanh năm. Anh Vừ Vả Tu cho biết, hiện nay, gia đình anh đã thoát nghèo nhờ học tập theo mô hình chăn nuôi gà đen mà Hội Nông dân huyện triển khai tại xã Mường Lống.
Người dân xã Mường Lống phát triển kinh tế từ chăn nuôi gà đen. (Ảnh: Hoài Thu)
Nói rõ thêm về mô hình này, ông Vừ Bá Xử - Phó Chủ tịch UBND xã Mường Lống cho biết, năm 2020, Hội Nông dân huyện triển khai Đề án phát triển thương hiệu gà đen Kỳ Sơn tại xã Mường Lống giai đoạn 2020 - 2023, quy mô 10 hộ. Ban đầu thí điểm ở 3 hộ năm 2020, sau đó mở rộng ra 7 hộ khác. Mỗi hộ được cấp 400 con giống gà đen bản địa và kinh phí mua thức ăn trong 3 tháng. Ngoài ra, cán bộ Hội Nông dân huyện và xã thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn gia đình kỹ thuật chăm sóc, kết nối đầu ra tiêu thụ sản phẩm.
Mô hình đã thành công khi các hộ phát triển tốt đàn gà đen, mang lại thu nhập khá cao. Có hộ đã nhân đàn thành 600-1.000 con như hộ các ông Vừ Tồng Pó, Vừ Y Súa… Ví như hộ ông Vừ Tồng Pó, từ lứa gà được hỗ trợ ban đầu thành công, ông Pó nhân giống, nhân đàn từ những con gà đẹp, khỏe mạnh và ưu tiên những con giống thuộc dòng thuần chủng gà đen bản địa. Hộ ông Pó đã đầu tư liên tục phát triển đàn gà thịt trong chuồng từ 300 - 700 con, có thời điểm lên đến hơn 1.000 con gà đen bản địa, mang lại thu nhập từ 250 - 300 triệu đồng/năm. Ngoài ra, ông Pó còn vay thêm vốn ngân hàng mở rộng quy mô đàn gà, mở rộng dịch vụ vừa bán gà thịt, vừa bán giống gà đen bản địa, đồng thời, vận động thành lập Chi hội Nông dân chăn nuôi gà đen với 15 hộ (36 thành viên). Đến năm 2021, sau khi đề án triển khai được 1 năm thì xã Mường Lống thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp và Du lịch cộng đồng xã Mường Lống, giúp bà con quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, trong đó gà đen là sản phẩm chủ lực.
Nhờ có đề án, người dân xã Mường Lống đã biết sử dụng máy ấp trứng để nhân giống gà đen bản địa. (Ảnh: Hoài Thu)
Từ 3 gia đình nuôi gà đen ban đầu, người dân ở xã Mường Lống đã thấy được hiệu quả của phát triển gà đen thành sản phẩm thương mại nên đã học tập, làm theo. Có hộ còn đầu tư mua cả máy ấp trứng vừa để tự nhân giống gà đen, vừa bán con giống cho bà con như hộ anh Cự Bá Cò ở bản Sa Lầy. Khi gia đình anh Vừ Vả Tu làm theo các mô hình, Hội Nông dân xã hỗ trợ vay vốn lãi suất thấp để nuôi gà đen và đã giúp gia đình thoát nghèo năm 2023.
Là 1 trong 3 chủ homestay đầu tiên ở xã Mường Lống, chị Lầu Y Dếnh cho biết, gà đen được nuôi chủ yếu để phục vụ gia đình, là món ăn truyền thống không thể thiếu trong các dịp lễ, tết của đồng bào nơi đây. Song ngày nay, chị Dếnh cũng như nhiều hộ khác ở xã Mường Lống đã có thêm thu nhập từ chăn nuôi và bán thịt gà đen, nhất là từ khi địa phương có sự khởi sắc trong phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái.
“Gà đen cũng là món không thể thiếu trong thực đơn homestay Y Dếnh giới thiệu đến du khách, và rất được yêu thích, đặc biệt là món gà đen nấu lá thuốc vừa mang hương vị đặc trưng của núi rừng, vừa tốt cho sức khỏe. Từ xưa đến nay món ăn này vẫn luôn được dùng để bồi bổ hồi phục sức khỏe nhanh chóng cho phụ nữ sau khi sinh con”, chị Lầu Y Dếnh cho biết. Hái lá thuốc nấu gà đen
Các cây thuốc Nam được phụ nữ Mông trồng trong vườn nhà dùng để nấu với gà đen bồi bổ sức khỏe. (Ảnh: Hoài Thu)
Ông Phan Văn Mạnh - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Kỳ Sơn cho hay, năm 2020, Hội Nông dân huyện xây dựng Đề án số 10/ĐA-HNDH phát triển chăn nuôi gà đen tại xã Mường Lống. Ban đầu Hội Nông dân huyện đã cấp phát 1.000 con gà giống và hướng dẫn kỹ thuật cho 10 hộ nông dân tại xã Mường Lống, 2 máy ấp trứng và 2 máy phát điện để các hộ chăn nuôi nhân giống gà bản địa. Đồng thời, phối hợp với các chuyên gia và các cơ quan chức năng hỗ trợ Hợp tác xã Nông nghiệp và Du lịch cộng đồng Mường Lống bảo vệ thành công thương hiệu OCOP cho gà đen.
Từ thành công ban đầu, tiếp tục các giai đoạn của đề án, Hội Nông dân huyện đề xuất Trung ương Hội Nông dân Việt Nam hỗ trợ mở rộng quy mô chăn nuôi gà đen theo hướng thịt an toàn sinh học tại xã Mường Lống, với quy mô 10 hộ/4.000 con giống; đề xuất Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ mở rộng quy mô chăn nuôi gà đen trên địa bàn huyện Kỳ Sơn, cụ thể là tại xã Huồi Tụ quy mô 3 hộ/900 con giống, tại xã Nậm Càn quy mô 3 hộ/600 con giống, tại xã Na Loi quy mô 3 hộ/600 con giống.
Gà đen - vật nuôi truyền thống trở thành sản phẩm OCOP của huyện Kỳ Sơn. (Ảnh: Hoài Thu)
Quá trình triển khai đề án, các cấp, ngành ở huyện Kỳ Sơn cũng định hướng cho bà con phát triển thương hiệu gà đen theo hướng an toàn sinh học, trở thành một trong những sản phẩm OCOP chủ lực của huyện.
Đến nay, các hộ chăn nuôi được hưởng lợi từ đề án phát triển thương hiệu gà đen Kỳ Sơn đều duy trì đàn vật nuôi ổn định và trở thành nguồn cung cấp gà giống, sản phẩm gà đen cho các thị trường tiêu thụ trong và ngoài huyện. Đặc biệt, các hộ phối hợp với Hợp tác xã Nông nghiệp và Du lịch cộng đồng Mường Lống cung cấp sản phẩm gà đen phục vụ khách du lịch, tham gia giới thiệu sản phẩm OCOP gà đen Kỳ Sơn tại nhiều hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh.
Theo Baonghean.vn