Bác sĩ vùng cao và hành trình gieo những 'hạt mầm tử tế'

15:01 18/01/2024

Không phô trương, ồn ào, bao năm qua, bác sĩ Thái Văn Sửu (SN 1961) lặng lẽ trên hành trình gieo những hạt mầm tử tế. 31 năm tận tụy cứu chữa người bệnh, ông còn thầm lặng sẻ chia với nhiều mảnh đời khó khăn, bất hạnh để lan tỏa tình yêu cuộc sống.

Sống bằng một trái tim ấm nóng

Khi chúng tôi gặp bác sĩ Thái Văn Sửu tại mảnh đất Kỳ Tân (Tân Kỳ) - nơi ông đang sống, cũng là lúc vùng đất này đón nhận những đợt lạnh đầu Đông. Ông vội vàng gấp gọn chiếc chăn bông ấm áp mới mua để kịp đem đến cho đôi vợ chồng có hoàn cảnh khó khăn, ở cách nhà ông gần 3 km.

Bác sĩ Sửu kể, đôi vợ chồng ấy đã gần 50 tuổi, người vợ đau yếu thường xuyên. Cách đây hơn 1 tuần, người vợ phải cấp cứu ở bệnh viện tỉnh, khi trở về, ông và một vài bà con láng giềng đến thăm thì thấy cả gia đình chỉ có chiếc chăn mỏng manh, không đủ chống chọi rét mướt mùa Đông. Vì vậy, trên đường trở về, ông đã ngay lập tức đi mua chiếc chăn bông ấm áp, dẫu số tiền trong túi ông bấy giờ chỉ còn 1,2 triệu đồng, nhưng có hề gì khi tiêu những đồng tiền ấy cho người khó khăn.


Bác sĩ Thái Văn Sửu (thứ 2, phải sang) trao tặng chiếc xe lăn cho bệnh nhân cũ của mình tại bản Chiềng, xã Tiên Kỳ, huyện Tân Kỳ. Ảnh: PV


Kiệm lời khi nói về bản thân, nhưng bao năm qua, bác sĩ Thái Văn Sửu vẫn lặng lẽ làm những việc tốt như vậy để giúp đỡ người khác, cho dù hoàn cảnh của ông không phải là khá giả. Chỉ mới đây thôi, ông còn lặn lội hơn 35 km để trao tận tay một bệnh nhân nghèo chiếc xe lăn được mua từ chính số tiền lương hưu của mình...

Theo lời kể của chị Hồng, khi bác sĩ Sửu đang tham gia Lễ hội Bươn Xao tại xã Tiên Kỳ thì có một người phụ nữ nắm lấy tay ông, rưng rưng nước mắt. Sau phút giây ngỡ ngàng, ông nghe người phụ nữ nhắc chuyện, mới nhận ra đó là bà Vi Thị Tới - mẹ ruột của cô bé 12 tuổi năm nào từng được ông cứu chữa thành công.


Đó là cuối năm 1992, trong một đêm Đông giá rét, lúc đang trực tại Khoa Ngoại của Bệnh viện Đa khoa Tân Kỳ (nay là Trung tâm Y tế huyện Tân Kỳ), bác sĩ Sửu nghe thấy tiếng kêu cứu của nhiều người dân. Chạy ra tiếp nhận bệnh nhân, ông thấy một cô bé xanh xao nằm trên cáng, một bên chân bị cụt, được người thân sơ cứu bằng những dây chun chằng chịt.

Cô bé tên là Vi Thị Đông, ở bản Chiềng, xã Tiên Kỳ, bị lợn rừng tấn công và cắn đứt chân trong khi lên rừng lấy củi. Bản cách bệnh viện hơn 35 km đường đồi, nên người thân phải cáng cháu hơn nửa ngày mới tới được bệnh viện; vì hoảng loạn nên không ai nhớ cầm theo phần chân bị đứt rời để khâu nối.


Bác sĩ Thái Văn Sửu (trái) cùng với các đồng nghiệp tại Trung tâm Y tế huyện Tân Kỳ tiến hành khám, chữa bệnh cho bệnh nhân. Ảnh: Nhân vật cung cấp


Nhận thấy tình trạng cháu bé đã đứng giữa lằn ranh sinh tử vì mất máu quá nhiều và kiệt sức, bác sĩ Sửu cùng đồng nghiệp lập tức quyết định phương án cấp cứu và chữa trị vết thương. Sau hơn 15 ngày giành giật với tử thần, cháu dần hồi phục và được xuất viện, tuy nhiên, cháu mãi mất đi phần chân bên trái từ đùi trở xuống.

Và rồi, sau hơn 30 năm gặp lại, cô gái nhỏ ngày nào nay đã là một phụ nữ trung niên. Tuy nhiên, cuộc sống của cô gặp rất nhiều khó khăn khi phải sống nương tựa vào bố mẹ già yếu, gia đình là hộ nghèo lâu năm của bản Chiềng.

Thế nên, dù bao năm qua, nguyện vọng lớn nhất của người phụ nữ ấy là có một chiếc xe lăn để tự mình đi lại và sinh hoạt, nhưng đành bất lực. Khi biết được câu chuyện đó, sau khi trở về, bác sĩ Sửu đã lập tức mua cho bệnh nhân cũ của mình một chiếc xe lăn thật tốt. Ngày mang xe đến cho gia đình, nhìn thấy Đông có thể tự mình di chuyển thành thạo trên chiếc xe, bác sĩ mới nhẹ lòng ra về.


Gắn bó với ngành Y, 31 năm qua bác sĩ Thái Văn Sửu luôn tận tâm với người bệnh. Ảnh: PV


Hành trình lặng lẽ hành thiện của bác sĩ Sửu được tiếp nối qua lời kể của chị Cao Thị Mỹ (sinh năm 1985) - điều dưỡng tại Trung tâm Y tế huyện Tân Kỳ. Chị cho biết: “Tôi sinh ra tại mảnh đất Đồng Văn, trong một gia đình khó khăn. Cách đây hơn 10 năm, trong một lần đi làm về, tôi không may bị tai nạn giao thông dẫn tới gãy xương đùi và 2 xương cẳng chân, phải chuyển ra bệnh viện tuyến Trung ương điều trị. Trong hoàn cảnh hai con còn rất nhỏ, chồng cũng thu nhập bấp bênh, căn nhà của hai vợ chồng xuống cấp xập xệ, chỉ chực chờ đổ sập. Đối mặt với nhiều khó khăn, vợ chồng chúng tôi đã có lúc thấy tuyệt vọng vô cùng. Chính lúc đó, bác sĩ Sửu không chỉ làm tròn cương vị là chủ tịch công đoàn của trung tâm mà còn là người bạn, người anh tận tình hỗ trợ, giúp đỡ chúng tôi bằng cả vật chất và tinh thần để vượt khó. Năm 2012, bác sĩ đã đứng ra đề xuất với Liên đoàn Lao động huyện và kêu gọi sự ủng hộ của cán bộ, công nhân viên tại trung tâm để cất cho gia đình một căn nhà ấm áp”.

Sau những sự đồng hành ấm áp đó, gia đình chị Mỹ từng bước ổn định cuộc sống và vững tâm nuôi các con khôn lớn, trưởng thành.

Tận tụy sống và làm việc

Những ngày này, trên con đường dẫn về xóm Tân Tiến, xã Kỳ Tân, hàng dừa hơn 20 gốc do bác sĩ Thái Văn Sửu tự tay trồng tặng xóm ngày càng xanh tốt. Không chỉ được tôn trọng tại nơi mình làm việc, ngay tại xóm làng nơi mình sinh sống, ông cũng đón nhận nhiều tình cảm trân quý của bà con khi luôn nhiệt thành trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Ông là 1 trong 6 người của xóm đã lặn lội vào tận Vĩnh Linh (Quảng Trị) để tìm lại những người đã từng sinh sống và kết nghĩa với người dân Kỳ Tân trong suốt 5 năm (1967-1972). Từ đó, gắn kết hai quê để cùng chia ngọt, sẻ bùi, hỗ trợ nhau trong nhịp sống hiện tại.


Diện mạo xã Kỳ Tân (huyện Tân Kỳ) với hệ thống giao thông nông thôn ngày càng đi vào quy củ, khang trang. Ảnh tư liệu: PV


Không chỉ trọn việc xóm, sau khi về hưu, bác sĩ Sửu vẫn tiếp tục nhiệt tình hỗ trợ cho công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân tại Trung tâm Y tế huyện Tân Kỳ. Điều đáng quý, ông chính là người tận tụy dẫn dắt nhiều kỹ thuật viên nơi đây vững chuyên môn, nghiệp vụ.

Có thể nói, kỹ thuật viên gây mê hồi sức là một trong những công việc thầm lặng nhưng được coi là căng thẳng trong ngành Y tế. Một kỹ thuật viên gây mê sẽ cần cùng lúc đảm bảo thiết bị máy gây mê, máy sinh hiệu, duy trì dịch truyền, máu và sản phẩm máu… liên tục hàng tiếng đồng hồ. Vì vậy, đối với những người trẻ, họ cần được đồng hành và bác sĩ Sửu không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm của mình, giúp họ nhanh chóng trưởng thành hơn trong nghề nghiệp.

Sau những chân tình được đón nhận từ bác sĩ Thái Văn Sửu, các kỹ thuật viên như Thái Khắc Hoàn (SN 1984), Nguyễn Văn Thảo (SN 1987) hay Hoàng Thị Liễu (SN 1985)… đã vững vàng trong chuyên môn, nghiệp vụ để tự tin làm tốt công việc của mình. Mỗi khi gặt hái thành quả trong công tác, họ luôn thầm biết ơn và nỗ lực không ngừng để cùng bác sĩ Sửu tiếp tục trọn hành trình tận tụy vì sức khỏe của nhân dân.


Đội ngũ bác sĩ và kỹ thuật viên gây mê - hồi sức của Trung tâm Y tế huyện Tân Kỳ ngày càng vững tay nghề. Ảnh tư liệu: PV


"Bản thân từng trải qua những giai đoạn vô cùng khó khăn, nên tôi thấu hiểu giá trị của tình yêu thương. Một người thầy từng nói với tôi rằng, công việc của một bác sĩ không chỉ cứu chữa những căn bệnh về thể xác, mà còn là hành trình chữa lành những vết thương tinh thần. Những hành động nhỏ như lời động viên, sự quan tâm khi họ gặp khó khăn, bất hạnh là liều thuốc xoa dịu niềm đau, sự mất mát, để cuộc sống này trở nên ấm áp hơn. Và tôi đã cố gắng sống đúng với lời thầy dạy, để trả ơn cuộc đời!: BÁC SỸ THÁI VĂN SỬU - TRUNG TÂM Y TẾ HUYỆN TÂN KỲ

Nguồn Báo Nghệ An

LIÊN KẾT WEBSITE

 
 
 

Các đơn vị khác