Thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII) “về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, huyện rẻo cao Tương Dương đã có nhiều mô hình, cách làm sáng tạo. Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân.
KHÔNG ĐỂ NGƯỜI NGHÈO LẠI PHÍA SAU
Gia đình ông Xồng Bá Lù ở bản Mông Phá Lõm là một trong số những hộ khó khăn đầu tiên ở xã Tam Hợp được nhận hỗ trợ từ mô hình "Quỹ 1.000 đồng” để xóa nhà tranh tre dột nát.
Cán bộ xã Tam Hợp thăm nhà của ông Xồng Bá Lù. (Ảnh: KL)
Xồng Bá Lù vui vẻ cho biết: "Quỹ 1.000 đồng” nghe thì nhỏ nhưng cái nghĩa, cái tình rất lớn, góp lại có thể giúp đỡ hộ khó khăn như gia đình tôi có ngôi nhà mới vững chãi để ở...”.
Ngoài hộ ông Xồng Bá Lù, còn có 3 hộ khác trên địa bàn xã Tam Hợp được hỗ trợ để sửa chữa nhà ở.
Ngoài được hỗ trợ 30 triệu đồng để sửa nhà, ông Xồng Bá Lù còn được hỗ trợ con giống để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. (Ảnh: KL)
Theo chia sẻ của Phó Bí thư Đảng xã Tam Hợp - Già Bá Trừ: Mô hình được thực hiện từ tháng 4/2021 nhằm tiếp tục cụ thể hóa cuộc vận động "Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", phát huy tinh thần tương thân tương ái, “góp gió thành bão” hình thành nguồn quỹ sẻ chia, giúp đỡ hộ khó khăn trên địa bàn.
Theo đó, tại trụ sở UBND xã và nhà văn hóa thôn, bản đều có thùng "Quỹ 1.000 đồng", được mở mỗi quý một lần, số tiền quyên góp được sẽ nhập về quỹ chung của xã.
Đến nay, nguồn quỹ này đã quyên góp được 80 triệu đồng hỗ trợ xóa nhà tạm bợ cho 4 hộ nghèo và hiện xã đang đỡ đầu cho 9 cháu học sinh mồ côi trên địa bàn.
Em Xồng Thu Hiền ở bản Phá Lõm được xã Tam Hợp nhận đỡ đầu từ nguồn "Quỹ 1.000 đồng". (Ảnh: GH)
Trong đó có em Xồng Thu Hiền có hoàn cảnh khó khăn. Bố mất, mẹ đi làm ăn xa, Hiền và chị gái học lớp 6 ở với ông bà nội đã già yếu ở bản Phá Lõm. Kinh phí từ nguồn "Quỹ 1.000 đồng" được dùng hỗ trợ em mua sắm sách vở, quần áo…
Từ xã Tam Hợp, mô hình "Quỹ 1.000 đồng" đã được nhân rộng toàn huyện Tương Dương với tên gọi “cây ATM 1000 đồng”. Sau hơn 3 năm thực hiện, đã có 252 chi bộ khối bản và các trường học, tổ chức công đoàn, đoàn thể triển khai, thu về hơn 717 triệu đồng. Kinh phí trích từ nguồn quỹ này được dùng để hỗ trợ 289 hộ nghèo mua con giống (bò, dê, lợn), 135 hộ mua cây giống (lúa, ngô, sắn, rau đậu các loại), tặng xe đạp cho học sinh nghèo vượt khó, tiếp sức đến trường cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Thùng "Quỹ 1.000 đồng" ở nhà văn hóa cộng đồng bản Phá Lõm, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương. (Ảnh: KL)
Cùng với vận dụng các nguồn quỹ tập trung đẩy mạnh hỗ trợ nhà ở cho người nghèo, mô hình đảng viên giúp đỡ hộ nghèo cũng được cấp ủy đảng các cấp triển khai nhân rộng trong toàn hệ thống chính trị.
Sau khi phát động đã có 123/146 tổ chức cơ sở đảng và 398 đảng viên thực hiện hỗ trợ 435 hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn làm nhà ở, mua cây, con giống, giúp đỡ 86 trẻ mồ côi, học sinh nghèo vượt khó học giỏi.
Bên cạnh đó, thông qua mô hình “Mẹ đỡ đầu kết nối yêu thương”, toàn huyện Tương Dương có 43 cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân nhận đỡ đầu, giúp đỡ 187 trẻ mồ côi tại 17 xã, thị trấn và trở thành một trong những địa phương có số trẻ được nhận đỡ đầu nhiều nhất tỉnh Nghệ An.
Nhiều học sinh mồ côi trên địa bàn huyện Tương Dương được nhận đỡ đầu. (Ảnh: KL)
Theo đánh giá của lãnh đạo huyện Tương Dương: Chương trình “Mẹ đỡ đầu” đã giúp được nhiều trẻ em mồ côi có cơ hội được đến trường, có điểm tựa trong hành trình khôn lớn, trở thành những công dân có ích cho xã hội.
Đây cũng là việc làm thiết thực để cụ thể hóa việc thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trên địa bàn.
CHUNG SỨC XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Là huyện miền núi cao với trên 90% dân số là người dân tộc thiểu số, điều kiện tự nhiên và xã hội còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao.
Thế nhưng, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Tương Dương đã có chuyển biến tích cực.
Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy và các đại biểu về dự Ngày hội Đại đoàn kết tại bản Bay, xã Nga My, huyện Tương Dương. (Ảnh tư liệu Thanh Lê)
Điển hình như tại bản Bay (xã Nga My), nằm trên tuyến Quốc lộ 48C với 518 khẩu/119 hộ, chủ yếu là dân tộc Thái. Những năm qua, Chi bộ, Ban quản lý bản đã kết hợp chặt chẽ việc tổ chức thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với các phong trào thi đua xây dựng NTM ở địa phương.
Qua đó, người dân đã tự nguyện đóng góp kinh phí lắp đặt 58 đèn đường thắp sáng dọc Quốc lộ 48C và đường nội bản trị giá 111 triệu đồng; đóng góp 459m3 cát, 882m3 sỏi và 1857 ngày công trị giá hơn 728 triệu đồng làm 2431m đường giao thông nội bản, nội đồng; hiến 5000m2 đất, 1100 ngày công và các vật liệu xây dựng khác để xây dựng chợ phiên Nga My, giá trị 260 triệu đồng.
Đồng chí Đinh Hồng Vinh - Chủ tịch UBND huyện Tương Dương trao Bằng công nhận bản đạt chuẩn nông thôn mới cho bản Bay. (Ảnh tư liệu Thanh Lê)
Về phát triển kinh tế, bên cạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm, Chi bộ Bản Bay ban hành Nghị quyết triển khai mô hình trồng xoan, keo, sắn cao sản; đu đủ đực, xoài Đài Loan, ngô nếp trên đất 2 lúa cho thu nhập ổn định .
Đặc biệt từ tháng 9/2022, chợ phiên Nga My đi vào hoạt động tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm sản và các hàng hóa khác, mang lại thu nhập cho người dân trên địa bàn.
Chợ phiên Nga My họp mỗi tháng 1 lần vào Chủ nhật cuối cùng của tháng. Đến với chợ phiên, du khách được trải nghiệm không gian chợ mang đậm sắc màu văn hóa vùng cao. (Ảnh tư liệu Đình Tuân)
Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo của bản chỉ còn 9,24%, có 80 hộ/119 hộ thoát nghèo, chiếm 67,23%; thu nhập bình quân ước đạt trên 42.541.000 đồng/người/năm.
Trong năm 2023, bản Bay được công nhận bản đạt chuẩn nông thôn mới, chi bộ bản được Huyện ủy Tương Dương đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Bằng khen trong “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Các mặt hàng tại chợ phiên Nga My tạo nên bức tranh đa dạng, phong phú, sinh động về sản vật văn hóa của đồng bào vùng cao. (Ảnh tư liệu Đình Tuân)
Tại xã Tam Quang, để xây dựng nông thôn mới nâng cao, công tác tuyên truyền được gắn với phát động thi đua thực hiện nêu gương, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại, xây dựng ý chí tự lực, tự cường trong cán bộ đảng viên và nhân dân.
Nhiều thôn, bản tự đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng làm sân vận động, lắp hệ thống điện mặt trời; đặt cống thoát nước; sửa chữa nhà văn hóa…; chủ động phát huy thế mạnh trồng cây lâm nghiệp (tre, mét), chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tạo sự bứt phá trong xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Một góc làng Mỏ, xã Tam Quang, huyện Tương Dương. (Ảnh: GH)
Nhờ đó, hiện xã biên giới này đã đạt 11/19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 43,2 triệu đồng lên 48,1 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 228 hộ (11,3%), xuống còn 195 hộ (9,6%).
Tương tự, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, “dễ làm trước, khó làm sau”, nhiều địa phương khác như Thạch Giám, Tam Thái, Tam Đình, Xá Lượng về đích nông thôn mới đúng kế hoạch…
Người dân bản Sơn Hà, xã Tam Quang huyện Tương Dương thu hoạch mét. (Ảnh: ĐC)
Phong trào xây dựng giao thông nông thôn, đường vào khu sản xuất tạo được sức lan tỏa và được người dân đồng lòng hưởng ứng. Chỉ tính riêng trong năm 2023, toàn huyện đã mở được 43 tuyến đường vào khu sản xuất với chiều dài 74.177m.
Kết quả này phản ánh rõ quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của người dân.
Nhân dân bản Côi, xã Lượng Minh (Tương Dương) bạt núi mở đường vào khu sản xuất, tạo động lực để phát triển kinh tế. (Ảnh: Đình Tuân)
PHÁT HUY VAI TRÒ NÊU GƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU
Để Kết luận 01-KL/TW của Bộ Chính trị đi vào cuộc sống, hàng năm, BTV Huyện ủy Tương Dương yêu cầu các tổ chức cơ sở Đảng chỉ đạo triển khai gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của các địa phương, đơn vị.
Trong đó, chú trọng lựa chọn những nội dung trọng tâm, đột phá, những vấn đề bức xúc, nổi cộm ở địa phương để tập trung lãnh đạo, tổ chức thực hiện.
Cán bộ nông nghiệp xã Yên Tĩnh (Tương Dương) hướng dẫn người dân cách thu hái chè dây. (Ảnh: ĐC)
Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hộ viên trong hệ thống chính trị; nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị có trách nhiệm nêu gương trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo phương châm “trên trước, dưới sau”, “trong trước, ngoài sau”, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”…
Ông Nguyễn Đình Hiền - Bí thư Đảng ủy xã Xá Lượng (Tương Dương) thăm mô hình trồng cây ăn quả của hộ ông Trần Công Chính và bà Vũ Thị Tốt ở bản Cửa Rào 2. (Ảnh: KL)
Qua học tập, làm theo và thực hành nêu gương, ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm, thái độ, tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức được nâng lên.
Các ban, ngành, đoàn thể, nhất là cấp xã dần khắc phục tính “trông chờ, ỷ lại”, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Các phong trào thi đua yêu nước được triển khai có hiệu quả trên nhiều lĩnh vực… Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đề ra.
Thực hiện lộ trình tập trung đưa bản Na Ca về đích nông thôn mới năm 2024, vào ngày thứ 4 hàng tuần tập thể cán bộ, công chức xã Nga My cùng với bà con nhân dân bản Na Ca ra quân thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM. (Ảnh: CSCC)
Tuy nhiên, quá trình thực hiện Kết luận 01-KL/TW của Bộ Chính trị ở huyện Tương Dương vẫn còn một số tồn tại hạn chế như: Vai trò nêu gương của một số cán bộ, đảng viên nhất là người đứng đầu chưa rõ nét, giải quyết một số vấn đề bức xúc, nổi cộm trong nhân dân có nơi còn chậm; tình trạng suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống vẫn còn xảy ra ở một số cán bộ, đảng viên đến mức phải xử lý kỷ luật, khai trừ, xóa tên (trong 2 năm 2022 và 2023, toàn đảng bộ huyện có 30 đảng viên bị xóa tên; 12 đảng viên bị khai trừ)…
Đoàn công tác của huyện Tương Dương do đồng chí Lê Văn Lương - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy làm Trưởng đoàn làm việc với Đảng bộ xã Lượng Minh. (Ảnh: CSCC)
Để khắc phục tồn tại, hạn chế trên, BTV Huyện ủy Tương Dương xác định: Tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt việc thực hiện Kết luận 01-KL/TW của Bộ Chính trị gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII, Kết luận 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Tương Dương đổi mới, phát triển. (Ảnh tư liệu PV-CTV)
Xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cơ quan, đơn vị, địa phương. Trong đó, chú trọng vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu trong học tập và làm theo Bác.
Qua đó, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với các cấp ủy Đảng, chính quyền.
Theo baonghean.vn