Bộ Tư pháp Lào khẳng định phối hợp giải quyết hiệu quả các vấn đề liên quan đối với vùng biên giáp Việt Nam

17:08 27/08/2022

Ngày 24/8/2022, Đoàn công tác Bộ Tư pháp cùng đại diện 10 tỉnh của nước Cộng hoà Dân chủ nhân dân Lào sang Việt Nam, cùng với Bộ Tư pháp Việt Nam tổ chức hội nghị tư pháp tại tỉnh Nghệ An. Thông qua hội nghị này, các bộ, ngành cùng lãnh đạo các tỉnh có chung đường biên giới của hai bên cùng thảo luận, đánh giá kết quả, đề ra các giải pháp nâng cao hiệu quả giải quyết vấn đề di cư tự do, kết hôn không giá thú giữa nhân dân hai bên biên giới.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lào, đồng chí Phây-vi-Xi-bua-li-pha khẳng định, truyền thống 40 năm hợp tác pháp luật và tư pháp giữa Việt Nam - Lào đã đưa đến nhiều hiệu quả thiết thực, không chỉ giúp nhân dân các bản hai bên biên giới ổn định cuộc sống, cùng bảo vệ vững chắc biên giới quốc gia mà còn góp phần vun đắp tình hữu nghị đặc biệt, thuỷ chung son sắt giữa hai dân tộc.
Thời gian tới, Bộ Tư pháp Lào mong muốn các bộ cùng các cấp chính quyền của hai bên tiếp tục hợp tác, thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác, đặc biệt là giải quyết vấn đề di cư tự do, kết hôn không giá thú.
Việc hợp tác pháp luật và tư pháp Việt – Lào 40 năm qua, đại diện lãnh đạo Vụ Quản lý và Khuyến khích hệ thống tư pháp, Bộ Tư pháp Lào cho biết, đây là nội dung triển khai theo Quyết định ngày 8/7/2013 của hai Chính phủ Lào -Việt Nam về giải quyết vấn đề di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới Lào -Việt Nam, thực hiện Biên bản Hội nghị lần thứ XXX của Đoàn đại biểu biên giới nước CHDCND Lào và CHXHCN Việt Nam đối với công tác nhập quốc tịch Lào cho công dân Việt Nam sinh sống tại vùng biên giới Lào.

Lãnh đạo Bộ Tư pháp Lào tham dự Hội nghị hợp tác pháp luật và tư pháp tại Việt Nam ngày 24/8/2022. (Ảnh: PV)

Theo thống kê, đến nay có tất cả 6.571 người Việt Nam sinh sống ở 10 tỉnh của nước bạn Lào có chung đường biên giới với Việt Nam. 10 tỉnh gồm: Bôlykhămxay, Khăm muộn, Va Vẳn Na Khệt, Xả Lạ Văn, Xê Koong, Át Ta Pư, Luông Pha Băng, Xiêng Khoảng, Hủa Phăn và Phông Xa Lì. Trong đó, Bộ Tư pháp Lào đã xem xét và đề nghị nhập quốc tịch Lào cho 929 người Việt Nam ở 2 tỉnh Bôlykhămxay (893 người, trong đó có 419 nữ) và Át Ta Pư (36 người, trong đó có 10 nữ). Đối với tỉnh Bôlykhămxay, nơi có nhiều người Việt Nam sinh sống, Bộ Tư pháp Lào sẽ tiếp tục giải quyết những trường hợp tồn tại.
Trước đây, để đảm bảo tính hợp pháp về nhập quốc tịch Lào cho công dân Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ nước CHDCND Lào ra Thông báo số 69/TTg, ngày 22/1/ 2021 giao cho Ủy ban Liên hợp biên giới cấp Trung ương phối hợp với cấp tỉnh, cấp huyện và chính quyền bản nơi có người Việt Nam đang cư trú để kiểm tra lại sự có mặt thực tế. Các nội dung được chú trọng là: Kiểm tra lại danh sách có mặt trong hộ khẩu, nếu không có mặt thực tế hoặc bị mất, hoặc bị xét xử tạm giam thì sẽ không được đề nghị lên cấp trên xem xét để nhập quốc tịch. Kiểm tra lại ngày, tháng, năm di cư, từ năm 1985 đến 2013 thì được đề nghị nhập quốc tịch Lào. Kiểm tra lại số trường hợp kết hôn không giá thú, từ năm 1985-2017 sẽ được đề nghị cấp trên xem xét cho nhập quốc tịch Lào.

Cán bộ ngành Tư pháp Việt Nam làm thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam cho người Lào. (Ảnh: PV)

Cho đến tháng 8/2022, thực hiện Thông báo của Thủ tướng Chính phủ nước CHDCND Lào, Ủy ban Liên hợp cấp Trung ương Lào đã đại diện từ các bộ phận như Văn phòng Thủ tướng, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Bộ An ninh và Bộ Nội vụ thực hiện phối hợp với các tỉnh, cấp huyện và chính quyền bản có người dân Việt Nam đang cư trú để kiểm tra danh sách đối tượng chưa được giải quyết. Qua kiểm tra cho thấy có 5.642 người Việt sinh sống ở 9 tỉnh, 22 huyện của lào chưa giải quyết vấn đề quốc tịch. Cũng qua rà soát, hiện nay Bộ Tư pháp Lào đang đề nghị Chính phủ giải quyết cho nhập quốc tịch Lào đối với 2.726 người Việt Nam, trong đó có 1.821 nữ. Đối với 2.916 trường hợp người Việt cư trú ở 2 huyện Viêng Thoong và Khăm Cợt của tỉnh Bôlykhămxay, Ủy ban Liên hợp sẽ tiếp tục thu thập thông tin thực tế và trình lên Chính phủ giải quyết cho nhập quốc tịch Lào đúng số lượng có mặt thực tế.
Ngoài số lượng có trong danh sách thuộc Quyết định của hai Chính phủ, Bộ Tư pháp cũng nhận được nhiều hồ sơ của công dân Việt Nam đề nghị được nhập quốc tịch Lào. Đối với những trường hợp này, Bộ Tư pháp Lào đã hoàn chỉnh hồ sơ đúng trình tự thủ tục của Luật Quốc tịch CHDCND Lào từ năm 2017-2022. Cho đến thời điểm hiện nay, các trường hợp này Chính phủ Lào đã cấp phép nhập quốc tịch cho 149 người, trong đó có 66 nữ.
Đánh giá về quá trình hợp tác cùng Bộ Tư pháp Việt Nam và các cấp ngành, địa phương liên quan, Bộ Tư pháp Lào cho biết, việc hợp tác ngày càng có hiệu quả nhờ hai bên đã nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi nhất về mặt pháp lý cũng như hoạt động thực tiễn. Trong đó, phải kể đến các Quyết định của hai Chính phủ làm căn cứ vững chắc trong tổ chức thực hiện; thường xuyên có sự chỉ đạo của cấp trên trong hoạt động công việc và luôn trao đổi thông tin danh sách cụ thể từ các tỉnh có chung đường biên giới. Các cấp lãnh đạo và các bộ phận có liên quan luôn quan tâm, coi trọng về chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm công tác, cùng vì mục tiêu hoà bình, hữu nghị và ổn định.
Tuy nhiên, để sự hợp tác giữa hai bên ngày càng có hiệu quả, cần nhìn nhận rõ một số tồn tại, hạn chế và thống nhất các giải pháp cụ thể. Về các khó khăn, tồn tại cần giải quyết, hai bên chú ý việc kiểm soát, rà soát thông tin các trường hợp di cư sau thời điểm năm 2013; các trường hợp sinh sống ở nơi thưa dân cư, hoặc trên núi cao hẻo lánh; nhiều trường hợp khả năng giao tiếp kém; một số thông tin còn sai lệch…

Lãnh đạo Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Lào ký kết Chương trình hợp tác năm 2023. (Ảnh: PV)

Và để đảm bảo hiệu quả tích cực cho các nội dung hợp tác về pháp luật và tư pháp trong thời gian tiếp theo, Cục Quản lý và Khuyến khích công tác tư pháp, Bộ Tư pháp Lào sẽ có định hướng và xây dựng kế hoạch, trao đổi với các bộ phận liên quan của Bộ Tư pháp Việt Nam. Trong đó, sẽ chú trọng các nội dung như: Xem xét cho phép nhập quốc tịch Lào và quốc tịch Việt Nam đối với công dân Việt Nam và Lào di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới Lào-Việt Nam và Việt Nam-Lào. Trình tự thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam cho người nước ngoài, người ngoại kiều và người không có quốc tịch theo trình tự của Luật Quốc tịch. Bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho Sở Tư pháp tỉnh và Văn phòng Tư pháp cấp huyện về công tác tư pháp cơ sở, nhằm đảm bảo hiệu quả hợp tác như: kết hôn và bản gương mẫu thực hiện pháp luật; trau dồi năng lực cho cán bộ lãnh đạo, chỉ đạo công tác hòa giải tranh chấp cấp bản và Tổ hòa giải tranh chấp cấp bản. Phối hợp đoàn công tác đa ngành cấp Trung ương với đoàn công tác đa ngành cấp tỉnh, cấp huyện để tiếp tục kiểm tra lại danh sách còn lại của tỉnh Bôlykhămxay, để đảm bảo cho việc giải quyết vấn đề nhập quốc tịch Lào theo đúng Quyết định của hai Chính phủ Lào-Việt Nam.
Ngoài ra, để không ngừng nâng cao hiệu quả giải quyết vấn đề di cư tự do, kết hôn không giá thú cho nhân dân hai bên biên giới Việt - Lào, góp phần giữ ổn định biên giới, vun đắp tình hữu nghị đặc biệt giữa hai dân tộc, lãnh đạo Vụ Quản lý và Khuyến khích hệ thống tư pháp, Bộ Tư pháp Lào cũng kiến nghị 2 nội dung. Đó là việc thành lập Ủy ban Liên hợp biên giới theo quyết định của hai Chính phủ nên có nhiều bộ phận liên quan tham gia trong thành phần. Tổ chức Hội nghị chung giữa Ủy ban Liên hợp biên giới của Lào và Ủy ban Liên hợp biên giới Việt Nam để bàn về công tác giải quyết vấn đề nhập quốc tịch cho người dân di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới Lào - Việt Nam.
Theo baonghean.vn

LIÊN KẾT WEBSITE

 
 
 

Các đơn vị khác