|
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham dự Phiên thảo luận tại Tổ 13. Ảnh: Lâm Hiển |
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham dự Phiên thảo luận tại Tổ 13, gồm Đoàn đại biểu Quốc hội 4 tỉnh Lạng Sơn, Bắc Ninh, Đắk Lắk và Hậu Giang.
Cùng dự có: Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài và các đại biểu Quốc hội của 4 địa phương.
Đánh giá cụ thể hơn các tác động đến tăng trưởng
Phát biểu tại phiên thảo luận, đánh giá về bức tranh kinh tế - xã hội năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, trong năm 2023 mặc dù tình hình thế giới có nhiều khó khăn, tác động đến nền kinh tế của Việt Nam, nhưng dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết, Chính phủ điều hành thực hiện Nghị quyết của Đảng và của Quốc hội, với nỗ lực, quyết tâm rất lớn, chúng ta hoàn thành được 10/15 chỉ tiêu. Trong đó nổi bật nhất là khu vực công nghiệp, xây dựng, nông lâm, thủy sản và khu vực dịch vụ đã lấy lại đà tăng trưởng phục hồi, công tác điều hành bảo đảm ổn định được kinh tế vĩ mô, bảo đảm tăng trưởng và kiềm chế được lạm phát.
Cán cân thương mại được quan tâm, cơ bản ổn định. Trong đó, nổi bật nhất là năm 2023, kinh tế nước ta đạt tốc độ tăng trưởng GDP 5,05%, dù chưa đạt mục tiêu Quốc hội đề ra, nhưng so với các nước trên thế giới, trong bối cảnh một số nước tăng trưởng âm, thì tăng trưởng GDP của Việt Nam là mức cao so với các quốc gia trên thế giới và trong khu vực.
“Mặc dù mục tiêu tăng trưởng đề ra cho năm 2023 là GDP 6,5%, nhưng bằng mọi giải pháp điều hành, chỉ đạo linh hoạt, chúng ta đạt được mức tăng trưởng GDP 5,05% - đây là một nỗ lực rất lớn của đất nước ta”. Khẳng định điều này, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, cùng với đó, đời sống của người dân ở thành thị cũng như ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo tiếp tục được quan tâm. Trong dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng ta đã huy động các nguồn để xây dựng được trên 5.000 căn nhà cho đồng bào nghèo ở Điện Biên là một việc làm hết sức cụ thể, thiết thực - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, trước tình hình khó khăn chung, Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể tiếp tục dành sự quan tâm, đẩy mạnh thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua chăm lo cho người nghèo để ổn định cuộc sống của Nhân dân thông qua những việc làm cụ thể, như giải quyết việc làm, lao động, nhất là đối với nông thôn; quan tâm giải quyết vấn đề thất nghiệp ở thành thị…
Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần đánh giá rõ kinh tế tư nhân vừa qua phát triển như vậy đã trúng và đúng chưa? Định hướng thu hút đầu tư nước ngoài như thế nào để chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đẩy mạnh phát triển vùng và công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhất là với những địa phương có công nghiệp phát triển lớn hiện nay, như Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Long An, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên… Theo đó, cần đánh giá rõ việc thu hút đầu tư nước ngoài tác động đến việc làm, đến thu ngân sách của địa phương như thế nào để đóng góp cho Trung ương…
Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần tiếp tục hướng dẫn, tổ chức triển khai có hiệu quả các Luật liên quan đến thể chế kinh tế thị trường, như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Quản lý nợ công… cũng như việc vận dụng các chính sách kinh tế vĩ mô linh hoạt theo các “kịch bản” để ứng phó với những diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới và khu vực hiện nay.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cần quan tâm đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế và cơ cấu lại các lĩnh vực theo hướng đa dạng hóa, tăng cường năng lực nội tại và sức chống chịu của nền kinh tế nước ta.
Công tác đối ngoại trong năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024 được tăng cường, nhiều đoàn khách quốc tế lớn đến Việt Nam và các đồng chí Lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ta cũng đi thăm, làm việc tại các nước trên thế giới, góp phần tăng cường quan hệ đối ngoại, quốc phòng, an ninh theo đường lối đối ngoại của Đảng; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; an ninh vùng biển, vùng trời của Tổ quốc được giữ vững. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo các tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo, có nhiều chuyển biến hết sức tích cực. Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, theo báo cáo của Chính phủ, thì năm 2023 cũng có nhiều tiến bộ.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ một số vấn đề còn băn khoăn, đó là kim ngạch xuất khẩu giảm 2,5% so với cùng kỳ năm trước; tăng trưởng tiêu dùng tư nhân năm 2023 giảm mạnh còn 3,5%, trong khi năm 2022 là 7,2%; thị trường bất động sản vẫn tiếp tục trầm lắng; tốc độ tăng đầu tư của khu vực tư nhân trong nước giảm còn 2,8%.
Do đó, “chúng ta cần đánh giá cụ thể hơn các tác động đến tăng trưởng, như xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư của tư nhân trong nước trong năm qua, làm rõ nguyên nhân và có giải pháp phù hợp trong thời gian tới; đồng thời quan tâm đến tính bền vững cho các động lực tăng trưởng”, Chủ tịch Quốc hội đề nghị.
Về các nhiệm vụ, giải pháp trong 7 tháng còn lại của năm 2024, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần quan tâm hơn đến công tác dự báo tình hình kinh tế thế giới và trong nước, nhất là trong bối cảnh kinh tế nước ta luôn chịu tác động từ tình hình kinh tế thế giới, để có những “kịch bản” chỉ đạo, điều hành một cách phù hợp, linh hoạt. Đồng thời, đề ra các giải pháp cụ thể để triển khai Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, của Bộ Chính trị về đổi mới mô hình tăng trưởng cũng như thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển kinh tế tư nhân.
|
Quang cảnh phiên thảo luận. Ảnh: Lâm Hiển |
Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm vực dậy và nuôi dưỡng các doanh nghiệp
Phát biểu tại phiên thảo luận, ĐBQH Nguyễn Như So (Bắc Ninh) nêu rõ, khép lại năm 2023, kinh tế nước ta tiếp tục ghi dấu ấn với tốc độ tăng trưởng GDP đạt 5,05%, dù chưa đạt mục tiêu nhưng lại là mức cao so với các quốc gia trên thế giới và trong khu vực.
“Đây là nét khác biệt đáng tự hào, là kết quả vượt khó của người dân, doanh nghiệp; sự điều hành, phối hợp linh hoạt, hiệu quả, trách nhiệm của Chính phủ, Quốc hội”. Khẳng định kết quả này, song đại biểu Nguyễn Như So cũng cho rằng, kinh tế nước ta vẫn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức của nền kinh tế có độ mở lớn, tổng cầu tiêu dùng phục hồi chậm, đan xen với thách thức mang yếu tố chủ quan từ nội tại của nền kinh tế. Khu vực doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với những khó khăn về thị trường đầu ra, thiếu đơn hàng, thiếu vốn và lao động có kỹ năng.
Với tình hình này, thì việc thực hiện mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP từ 6 - 6,5% là vô cùng thách thức, đại biểu Nguyễn Như So thẳng thắn.
Đóng góp với báo cáo của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Như So kiến nghị một số giải pháp từ góc nhìn thực tiễn cũng như mong mỏi của cử tri, cộng đồng doanh nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển KT-XH năm 2024 - năm bản lề cần sự đột phá để thực hiện thành công kế hoạch 5 năm 2021 - 2025.
Thứ nhất, phải thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm vực dậy, bồi dưỡng và nuôi lớn các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nội địa, doanh nghiệp lõi của Chiến lược an ninh lương thực, thực phẩm.
Để làm được điều này, theo đại biểu Nguyễn Như So, bên cạnh những giải pháp về phát triển thị trường, tập trung đất đai, xây dựng thương hiệu, Chính phủ cần tập trung giải quyết triệt để bài toán thiếu vốn và lành mạnh hóa môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp.
Cụ thể, cần tiếp tục linh hoạt chính sách tài khóa, tiền tệ, lấy doanh nghiệp và người dân làm trung tâm, hỗ trợ một cách thực chất, tiếp sức cho doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn như hiện nay.
“Chúng ta đang chịu áp lực ở cả hai chính sách tiền tệ và tài khóa. Áp lực tỷ giá và giá vàng trong nước đang ở mức cao, kéo theo việc duy trì mặt bằng lãi suất thấp trong thời gian tới là rất khó, các ngân hàng rục rịch tăng lãi suất để tạo hấp dẫn cho người gửi tiền”. Do vậy, cần tập trung khai thác triệt để tiềm năng của chính sách tài khóa giúp doanh nghiệp tiếp cận một cách nhanh chóng, kịp thời và có sức lan tỏa hơn.
Cũng theo đại biểu Nguyễn Như So, cần giảm thêm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp nội địa sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, chế biến, có đơn hàng xuất khẩu, các doanh nghiệp áp dụng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, tín chỉ carbon và xây dựng nhà ở xã hội.
“Chúng ta không sợ nguồn hỗ trợ quá tải đối với các ngân hàng, bởi sau hàng loạt biến cố dồn dập những năm qua, các doanh nghiệp không đủ sức khỏe đã bị loại khỏi thị trường, chỉ những doanh nghiệp đủ tiềm lực cả về tài chính và sức mạnh khoa học công nghiệp mới chống chịu được”. Chỉ rõ điều này, đại biểu Nguyễn Như So đề nghị, “phải coi đối tượng này là những “viên gạch” đặt nền móng cho hạ tầng kinh tế vĩ mô và cần dùng các chính sách hỗ trợ để bảo vệ, duy trì nhằm vừa tạo sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cho xã hội vừa giúp luân chuyển hiệu quả dòng tiền trong nền kinh tế”.
Cùng với đó, cần tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư minh bạch, tạo niềm tin cho doanh nghiệp. Các giải pháp về vốn, thuế, phí chỉ mang tính thời điểm, về dài hạn, giải pháp căn cơ, then chốt vẫn phải là tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, khơi thông nguồn lực cho doanh nghiệp yên tâm đầu tư. “Đây mới là sự hỗ trợ ít tốn kém nhất, có tác động lan tỏa nhất”, đại biểu Nguyễn Như So nói.
Đại biểu Nguyễn Như So cũng đề nghị, phải đặt mục tiêu nâng cao năng suất lao động là nhiệm vụ sống còn, cấp bách để phát triển bền vững nền kinh tế. Năm 2023, tổng số lao động chưa qua đào tạo từ sơ cấp trở lên chiếm đến 74,5% tổng số lao động, tương đương 38,3 triệu người. Đây là con số đáng báo động, đặt ra áp lực lớn để tạo việc làm bền vững và tăng năng suất lao động của nền kinh tế.
Để đạt được mục tiêu năng suất lao động giai đoạn 2021-2025 tăng 6,5% như Nghị quyết của Quốc hội là rất khó khăn, bởi trong 3 năm 2021-2023, tốc độ tăng năng suất lao động đều thấp hơn mục tiêu được Quốc hội thông qua hàng năm.
Do đó, việc xây dựng các chính sách và chương trình đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là yêu cầu cấp thiết. Nêu vấn đề này, đại biểu Nguyễn Như So đề nghị cần xây dựng cơ chế trọng dụng nhà khoa học và thí điểm chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp tổ chức đào tạo lao động, sử dụng trên 50% lao động có trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên; ưu tiên tập trung mọi nguồn lực quốc gia cho phát triển khoa học công nghiệp, đổi mới sáng tạo; áp dụng cơ chế chính sách ưu đãi đặc biệt để phát triển, đào tạo, thu hút, sử dụng có hiệu quả nhân lực khoa học công nghệ.
Cùng với các giải pháp nêu trên, đại biểu Nguyễn Như So đề nghị cần tiếp tục kiểm soát lạm phát, bảo đảm ổn định tăng trưởng vĩ mô; tập trung thúc đẩy tổng cầu mạnh mẽ, quyết liệt…
Năm 2023 là năm thứ 9 liên tiếp Việt Nam kiểm soát lạm phát thành công dưới ngưỡng 4%, tuy vậy, năm 2024 áp lực lạm phát lại gia tăng do hàng loạt các biến động khó lường của các yếu tố bên ngoài, như giá xăng dầu, giá lương thực, chất bán dẫn, chi phí vận tải, cộng hưởng với các yếu tố do việc điều chỉnh giá điện, dịch vụ giáo dục, y tế, thực hiện chính sách cải cách tiền lương…, lạm phát quý I.2024 đã đạt mức 3,93%, tiến sát đến mức thấp của mục tiêu Quốc hội đề ra (4-4,5%).
Do vậy, Chính phủ cần kiểm soát tốt và bảo đảm đầy đủ nguồn cung với giá ổn định, nhất là đối với nhóm tác động mạnh tới lạm phát như lương thực, thực phẩm và xăng dầu (chiếm đến 70%); có chính sách ưu đãi, khuyến khích để các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, chủ động nguồn nguyên vật liệu, tăng tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế, đại biểu Nguyễn Như So đề nghị.
Cùng với đó, cần thực hiện chính sách tín dụng và lãi suất phù hợp, hài hòa; điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm ổn định giá nguyên vật liệu nhập khẩu, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm trong nước và giảm áp lực lạm phát tiền tệ đối với nền kinh tế.
Trong bối cảnh mô hình kinh tế chưa thực sự có sự cải thiện về chiều sâu, để đạt mục tiêu tăng trưởng cao ngay trong năm 2024, Chính phủ cần dựa vào các chính sách “trọng cầu”, đẩy mạnh hơn nữa các động lực tăng trưởng từ phía tổng cầu (gồm đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu). Tổng cầu của ta đang suy yếu, cầu tiêu dùng tăng thấp hơn kỳ vọng (chỉ tăng 3,52%), đặc biệt doanh thu bán lẻ hàng hóa chiếm đến 77,3%, cầu tiêu dùng thì chỉ tăng 7,1%, thấp hơn nhiều so với giai đoạn 2019-2021 là 11,4%; cầu đầu tư tư nhân suy giảm thấp nhất nhiều năm qua, chỉ khoảng 4,2%, thấp hơn 9,1 điểm phần trăm bình quân giai đoạn 2015-2019…
Do đó, đại biểu Nguyễn Như So đề nghị, cần tập trung giải ngân vốn đầu tư công cho các dự án trọng điểm mà nền kinh tế trực tiếp hưởng lợi, xóa bỏ đầu tư dàn trải, rút ngắn thời gian thực hiện dự án; kích thích tiêu dùng tư nhân bằng việc điều chỉnh giảm thuế thu nhập, tăng tính lành mạnh các thị trường tài sản và đẩy mạnh các chính sách an sinh xã hội cho người nghèo, người bị mất việc làm.
Đồng thời, cũng cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và tận dụng khu vực FDI để đẩy mạnh xuất khẩu, quan tâm thúc đẩy các động lực tăng trưởng, như chuyển đổi số, tăng trưởng xanh và phát triển, mở rộng tới các lĩnh vực mới mang tính đột phá, như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng tập trung đóng góp ý kiến vào nhiều nội dung cụ thể liên quan đến: vấn đề lao động - việc làm; thủ tục hành chính vẫn tiếp tục là “điểm nghẽn”; giá vàng tăng cao đặt ra vấn đề cần có biện pháp quyết liệt, hiệu quả hơn để ổn định thị trường; công tác dự báo còn là khâu yếu trong chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội…
Lam Giang