Mặt trận các cấp ở Nghệ An sáng tạo, góp sức xây dựng nông thôn mới

14:07 12/07/2024

(Mặt trận) Triển khai Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, MTTQ các cấp ở Nghệ An đã nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, đem hiệu quả thiết thực.

Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh Võ Thị Minh Sinh và Chủ tịch Uỷ ban MTTQ huyện Nghi Lộc Hồ Nam nắm bắt tâm tư của người dân. Ảnh: Mai Hoa

Mô hình hay, cách làm mới

Hưng Tân là xã đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu của huyện Hưng Nguyên. Một trong những yếu tố quan trọng làm nên thành công, chính là công tác tuyên truyền, vận động, làm cho người dân hiểu và đồng thuận, nhất là giai đoạn xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu với nhiều yêu cầu cao hơn.

Mặt trận Tổ quốc xã Hưng Tân đã thành lập đội truyền thông lưu động về tận các khu dân cư tuyên truyền vào các buổi tối về chủ trương, kế hoạch và các việc cần làm trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu mà cấp ủy, chính quyền xã đề ra. Hình thức, phương pháp truyền thông kết hợp giữa kỹ năng thuyết trình của cán bộ Mặt trận, các ngành, đoàn thể và các tiểu phẩm, kịch ngắn, diễn xướng Dân ca ví giặm, kể cả đưa ra các tình huống mở để thu hút người dân cũng tham gia tương tác, trao đổi.

Hình thức tuyên truyền đó, như đồng chí Phan Thị Thuận - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã trao đổi: “Vừa tạo hấp dẫn, thu hút đông đảo người dân tham gia, vừa tạo sự “hấp thụ” thông tin, dễ hiểu, dễ thẩm thấu trong nhân dân”.

Huy động sức dân xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn xã Hưng Tân. Ảnh: Mai Hoa

MTTQ xã Hưng Tân cũng đã tranh thủ các cá nhân tiêu biểu, người cao tuổi uy tín, các đoàn viên, hội viên nòng cốt của các đoàn thể làm “hạt nhân” tham gia tuyên truyền, vận động; gắn lấy sự nêu gương của cán bộ, đảng viên để lan tỏa trong nhân dân, từ việc hiến đất, tài sản đến góp tiền, góp công xây dựng nông thôn mới; kết quả, 5 năm gần đây nhân dân xã nhà tự nguyện đóng góp hơn 200 tỷ đồng, hàng chục nghìn ngày công và hiến hơn 70.000 m² đất.

Ở huyện Thanh Chương, theo chia sẻ của đồng chí Phan Đình Hà - Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện: Muốn tuyên truyền, vận động, Mặt trận không thể “hô” chung chung, mà quan trọng là phải “nhận diện” được, người dân phải hưởng ứng, làm cái gì, làm ở đâu, đóng bao nhiêu tiền, đóng ở đâu, làm theo tiêu chuẩn nào?

Bởi vậy, từ đi học tập các mô hình nông thôn mới đẹp trong và ngoài tỉnh, đồng thời, căn cứ vào quy hoạch, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh, MTTQ huyện Thanh Chương định hướng, chỉ đạo Mặt trận cơ sở và ban công tác Mặt trận ở các khối, xóm, thôn, bản tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện, lấy tổ tự quản là địa bàn triển khai. Theo đó, từng tổ tự quản họp bàn về nội dung làm, cách làm, mức đóng góp và tiến hành báo cáo với chi bộ những công việc dự định làm phù hợp thực tiễn; quá trình thảo luận, biểu quyết có sự chứng kiến của trưởng thôn, xóm để đảm bảo sự thống nhất về chủ trương, kế hoạch, cách làm, đặc biệt là quy hoạch cảnh quan, diện mạo nông thôn.

Huy động sức dân làm đường giao thông nôg thôn tại xã Thanh Xuân (huyện Thanh Chương). Ảnh: Mai Hoa

Đối với huyện Nam Đàn, triển khai Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Ủy ban MTTQ huyện chọn tập trung xây dựng mô hình "Dân vận khéo" nhằm vận động, tập hợp sức mạnh đại đoàn kết các tầng nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới.

Đồng chí Ngô Quang Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Nam Đàn cho biết: “Dân vận khéo”, trước hết là “khéo” tham mưu cho cấp ủy và tranh thủ sự đồng hành, hỗ trợ của chính quyền để triển khai, thực hiện các công việc của Mặt trận, trong đó có phối hợp phát động cuộc thi mô hình tiêu biểu trong xây dựng nông thôn mới, tạo ra phong trào thi đua, lan tỏa các mô hình hay giữa các khu dân cư và địa phương trên địa bàn huyện.

Đồng thời, “khéo” phối hợp cùng các tổ chức thành viên; “khéo” tuyên truyền, vận động khơi dậy nội lực, phát huy tối đa ngoại lực; “khéo” lắng nghe, trao đổi, giải quyết các ý kiến đề xuất, phản ánh, khó khăn, vướng mắc của người dân; “khéo” thực hiện quy chế dân chủ “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”…

Hiện toàn huyện Nam Đàn có 15/18 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó, có 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; là huyện có sản phẩm OCOP nhiều nhất tỉnh, với tổng 69 sản phẩm 3 sao và 4 sao.

Xóm 7, xã Xuân Lâm (Nam Đàn) phát huy sức dân hoàn thiện cơ sở hạ tầng, cơ sở thiết chế văn hóa, thể thao ở khu dân cư. Ảnh: Mai Hoa

Tiếp tục đổi mới hoạt động

Để đồng hành và là “hậu phương” vững chắc trong triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã phát động Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Triển khai cuộc vận động này, MTTQ các cấp tỉnh Nghệ An đã trăn trở, từ đó đổi mới phương pháp, cách làm, góp phần đem lại hiệu quả thiết thực.

Cán bộ Mặt trận các cấp trao đổi kinh nghiệm trong tổ chức vận động nhân dân xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Mai Hoa

Đồng chí Lê Văn Ngọc - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh khẳng định: Theo tính toán trong xây dựng nông thôn mới, nguồn lực huy động sức dân chiếm khoảng 25%. Để làm được điều này, Mặt trận đóng vai trò nòng cốt cùng với các tổ chức thành viên phát huy tốt quy chế dân chủ, thực hiện đúng 6 chữ “dân”: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân hưởng thụ”...

Trong tuyên truyền, vận động, Mặt trận và các tổ chức thành viên biết lựa chọn những cá nhân tiêu biểu, người uy tín, hộ gia đình có điều kiện để làm “ngòi nổ” kích hoạt phong trào.

Một số địa phương, Mặt trận tập hợp được dữ liệu con em xa quê, ở nước ngoài, tạo kết nối thông qua hội đồng hương, qua các nhóm Facebook, Zalo và xây dựng mối quan hệ thường xuyên với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn nhằm thu hút nguồn lực; tranh thủ, phát huy vai trò các chức sắc, chức việc các tôn giáo, các già làng, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, xây dựng mối đoàn kết lương - giáo vì mục tiêu chung là cải thiện cuộc sống của người dân và xây dựng quê hương phát triển.

MTTQ xã Thanh Tiên (huyện Thanh Chương) huy động sức dân xây dựng tuyến đường: xanh, sạch, đẹp. Ảnh: Mai Hoa

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Lê Văn Ngọc cho rằng: Mặt trận các cấp cần tiếp tục trăn trở, chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền để tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh bằng các việc làm, công trình thiết thực, bền vững.

Đặc biệt, mỗi cán bộ Mặt trận cần thực hiện đúng phong cách dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”. Nghĩa là, cán bộ Mặt trận phải luôn tư duy đổi mới, sáng tạo, không làm theo lối mòn; phải quan sát, nhìn sâu, nhìn rộng; phải lắng nghe nhiều chiều, tốt nghe, xấu cũng nghe, trái chiều càng phải nghe; tăng cường sâu sát cơ sở, gần dân, hiểu dân; quan tâm công tác tuyên truyền, vận động để cán bộ và nhân dân hiểu, tự giác, tự nguyện đồng hành cùng với hoạt động của Mặt trận.

Triển khai Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, giai đoạn 2019 - 2024, MTTQ các cấp của Nghệ An đã huy động nguồn đóng góp từ xã hội hơn 2.810 tỷ đồng; hiến hơn 5 triệu m² đất, đóng góp hơn 5,5 triệu ngày công. Mặt trận các cấp cũng vận động gần 742 tỷ đồng Quỹ "Vì người nghèo" và đã hỗ trợ xây mới, sửa chữa 12.314 nhà "Đại đoàn kết"; 1.299 người dân được hỗ trợ phát triển sản xuất; xây dựng 319 mô hình giảm nghèo; hàng chục nghìn người nghèo được hỗ trợ khám, chữa bệnh, mua bảo hiểm y tế, hỗ trợ học tập…

Mai Hoa-Báo Nghệ An

LIÊN KẾT WEBSITE

 
 
 

Các đơn vị khác