Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Dự khuyết TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì buổi làm việc.
Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Tỉnh ủy.
Toàn cảnh buổi làm việc. |
Phấn đấu xây dựng Thanh Chương trở thành huyện khá toàn diện của tỉnh
Góp ý vào dự thảo Nghị quyết của Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Thanh Chương lần thứ 31, các ý kiến đề nghị: vấn đề cần quan tâm hàng đầu của Thanh Chương là nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, công tác quản lý cán bộ, kỷ luật, kỷ cương trên địa bàn; sự phối hợp quản lý nhà nước giữa cấp trên và cấp dưới và công tác đấu tranh, phê bình trong Đảng; việc nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu.
Phó Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Văn Thông đóng góp ý kiến tại buổi làm việc. |
Theo đó, Thanh Chương cần nhìn thẳng vào những hạn chế, tồn tại thời gian qua, đồng thời phải chỉ ra được do các nguyên nhân gì? Có xác định rõ được nguyên nhân mới đưa ra các giải pháp, nhiệm vụ sát với thực tế, yêu cầu cho nhiệm kỳ tới.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung phát biểu tại buổi làm việc. |
Đối với mục tiêu “Đưa Thanh Chương trở thành huyện khá trong các huyện miền Tây”, các ý kiến tại buổi làm việc cho rằng: huyện cần cân nhắc lại mục tiêu này và nên phấn đấu trở thành huyện khá toàn diện của tỉnh. Trong các khâu đột phá cũng nên chú trọng phát huy yếu tố nguồn nhân lực để góp phần thúc đẩy phát triển địa phương.
Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý đề nghị huyện Thanh Chương tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý tại buổi làm việc để bổ sung vào văn kiện Đại hội.
Về định hướng và quan điểm phát triển, địa phương cũng phải xác định, lựa chọn thế mạnh, điểm nổi bật của mình để tập trung thực hiện. Hàm lượng thông tin trong phần tồn tại, hạn chế, nguyên nhân… chưa tương xứng với bố cục văn kiện, huyện cần phân tích, làm rõ hơn. Xác định, chiến lược phát triển của Thanh Chương vẫn là nông, lâm, ngư nhưng phải hạn chế sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, địa phương phải hướng đến sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm cho: cây lâu năm, dược liệu, cây ăn quả và các con đặc sản theo vùng, không dàn trải. Chuẩn bị quy hoạch đất đai, gắn phát triển kinh tế với đường Hồ Chí Minh, kinh tế cửa khẩu…Thanh Chương sẽ có diện mạo khác. Việc phát huy nguồn lực từ những người con quê hương ở xa quê cũng sẽ là một thế mạnh rất lớn của Thanh Chương.
Xây dựng Anh Sơn trở thành trung tâm về Nguồn
Mục tiêu của huyện Anh Sơn trong nhiệm kỳ 2020-2025 sẽ đứng ở tốp đầu các huyện miền núi. Mục tiêu này được các ý kiến tại buổi làm việc ghi nhận khi Anh Sơn có nền tảng phát triển khá toàn diện trong thời gian qua. Nhiệm kỳ qua, Anh Sơn có 30/33 chỉ tiêu đạt và vượt, huyện cũng có nhiều mô hình kinh tế tốt, giữa sản xuất và chế biến có sự gắn kết chặt chẽ. Tuy vậy, dù đã có sự phát triển bền vững nhưng tốc độ phát triển của Anh Sơn chưa nhanh. Huyện cần tìm giải pháp tăng giá trị sản xuất thông qua việc mở rộng đối tượng áp dụng khoa học, công nghệ. Phát triển công nghiệp từ nông nghiệp cũng sẽ là hướng đi huyện cần tiếp tục phát huy.
Bí thư Tỉnh uỷ Thái Thanh Quý phát biểu kết luận buổi làm việc. |
Kết luận buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý ghi nhận nỗ lực, cố gắng của huyện Anh Sơn trên các lĩnh vực trong nhiệm kỳ qua. Bí thư Tỉnh ủy xác định: Anh Sơn có nhiều yếu tố hội tụ để nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích nông nghiệp. Cụ thể, những vùng đất màu, đất bãi phải được chuyển đổi mạnh mẽ, hướng đến năng suất, chất lượng cao hơn. Người đứng đầu Tỉnh ủy nhấn mạnh: phải xây dựng Anh Sơn trở thành trung tâm về Nguồn. Để làm việc này, huyện ngoài việc thu hút đầu tư hạ tầng du lịch, cần kết nối nghĩa trang Liệt sỹ Việt - Lào với các địa chỉ đỏ, diểm di tích, danh thắng của các huyện trong vùng.