Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, TS. Nguyễn Văn Đáng, giảng viên Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, điểm tựa vững chắc nhất cho tinh thần cống hiến, phụng sự cộng đồng là các giá trị đạo đức. “Chúng tôi thường nói, luật pháp là đạo đức ở mức tối thiểu, đạo đức mới là luật pháp ở mức tối đa. Tức là khi người ta đã thấm nhuần giá trị đạo đức, họ sẽ tự giác chấp hành các chủ trương, chính sách, luật pháp, quy định…”, ông Đáng nói.
Theo TS Nguyễn Văn Đáng, trong lịch sử 94 năm của mình, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn kiên định và nhất quán quan điểm cũng như chủ trương lãnh đạo cách mạng và phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đề cao những mục tiêu vì con người. Kể từ khi đổi mới năm 1986 đến nay, một thực tế khách quan là quy mô nền kinh tế nước ta đã gia tăng nhanh chóng, đời sống của số đông người dân được cải thiện rõ rệt; Việt Nam thuộc nhóm các nước có tốc độ gia tăng chỉ số phát triển con người hàng đầu thế giới.
Trên bình diện quốc tế, theo T.S Đáng, Việt Nam đã trở thành thành viên của các tổ chức quốc tế quan trọng, đối tác hữu hảo với các nước lớn. “Vị thế, tầm vóc và tiếng nói của Việt Nam đã thay đổi một trời một vực so với trước đây. Các nước cũng nhìn nhận Việt Nam có một vị thế đặc biệt trong khu vực. Nếu như chúng ta không có thực lực, không có ảnh hưởng, vị thế mờ nhạt, các nước họ sẽ không quan tâm đến chúng ta như thời gian vừa qua”, T.S Đáng nói.
Thưa ông, vai trò lãnh đạo của Đảng là rất rõ ràng để Việt Nam đạt được thành tựu trong những năm qua. Tuy nhiên, hiện nay, Đảng cũng đối diện với một số thách thức, trong đó có công tác cán bộ, làm sao để phù hợp với sự phát triển của đất nước trong thời gian tới?
Trong những năm gần đây, vấn đề công tác cán bộ của Đảng đang rất được quan tâm, không chỉ bởi số lượng cán bộ vi phạm bị xử lý gia tăng mà quan trọng hơn là chất lượng, tầm vóc của cán bộ phải đáp ứng nhu cầu cho tiến trình hiện thực hóa tầm nhìn lãnh đạo: đưa đất nước trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045. Bối cảnh mới, mục tiêu mới tất yếu cần đội ngũ cán bộ ở tầm vóc mới, cao hơn. Rõ ràng, yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra với đội ngũ cán bộ nói chung trong giai đoạn hiện nay đã khác hẳn so với các thời kỳ trước đây.
Sau gần 40 năm đổi mới, sự vận hành của kinh tế thị trường tác động rất mạnh đến hệ thống chính trị nói chung, đặc biệt là bộ máy công quyền. Khi chúng ta đổi mới, thừa nhận những lợi ích cá nhân chính đáng đã thúc đẩy con người có ham muốn làm giàu, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, sự trỗi dậy của lợi ích cá nhân cũng len lỏi vào khu vực công, và có những tác động nhất định theo hướng tiêu cực. Hệ quả dễ thấy là một bộ phận cán bộ bị tha hoá, tiêu cực, tham nhũng, thậm chí phải ra toà, nhận các bản án nặng nề. Điều này không chỉ phản ánh những đặc điểm của một xã hội đang chuyển đổi mà còn bộc lộ ra nhiều vấn đề của hệ thống cơ quan công quyền ở nước ta. Đó là sự chưa hoàn thiện về các điều kiện thể chế để kiểm soát hành vi của các cán bộ, công chức.
TS. Nguyễn Văn Đáng, giảng viên Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh PV
Trên phương diện đạo đức công vụ, một bộ phận cán bộ, công chức chưa ý thức được rằng mình đang phục vụ lợi ích công, lợi ích chung. Họ nhầm lẫn giữa làm việc vì lợi ích của mình với làm việc vì lợi ích của người khác, của cộng đồng. Chính sự chưa tách bạch giữa lợi ích công và lợi ích riêng tư khi làm việc cho Nhà nước đã khiến nhiều cán bộ vi phạm để vụ lợi.
Về đội ngũ cán bộ, tôi phân chia ra làm 2 nhóm với những yêu cầu riêng: nhóm lãnh đạo chính trị và nhóm công chức chính quyền. Để đáp ứng yêu cầu trong những năm sắp tới, nhóm công chức chính quyền phải là tập hợp những người tinh anh về năng lực chuyên môn, tức là họ phải là những người giỏi nghề, giỏi công việc mà họ đang làm. Nếu là giám đốc sở TN&MT thì phải thực sự có kiến thức về lĩnh vực tài nguyên môi trường cũng như kiến thức về quản lý Nhà nước. Còn với cán bộ lãnh đạo chính trị, chúng ta đang làm rất chặt chẽ, đề cao những yêu cầu về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và một phần nào đó là năng lực chuyên môn. Tuy nhiên, theo tôi, chúng ta cần bổ sung những tiêu chí, quy định để có cơ sở nhận định và đánh giá về tố chất lãnh đạo, tiềm năng thành công trong vai trò lãnh đạo.
Vun đắp các giá trị đạo đức
Thưa ông, thời gian qua, rất nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm bị xử lý kỷ luật, truy tố. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước từng nhiều lần đề cập đến việc phải gìn giữ đạo đức của người cán bộ. Ông nghĩ sao về đạo đức cán bộ trong giai đoạn hiện nay?
Yêu cầu về đạo đức công vụ không chỉ đặt ra ở nước ta mà ở bất cứ nước nào cũng sẽ vậy thôi. Với đặc trưng của nước ta, yếu tố đạo đức cán bộ luôn được nhấn mạnh từ xưa đến nay. Trong ngôn ngữ nghiên cứu, chúng tôi hay nói luật pháp là đạo đức ở mức tối thiểu, đạo đức mới là luật pháp ở mức tối đa. Tức là khi người ta đã thấm nhuần giá trị đạo đức thì sẽ tự giác chấp hành chủ trương đường lối, quy định pháp luật. Ví dụ, khi được giáo dục, đề cao các giá trị về liêm chính, trung thực, cống hiến một cách bài bản thì cá nhân sẽ có thể kiểm soát được hành vi của mình, giảm thiểu nguy cơ vi phạm. Khi tham gia vào hệ thống chính trị, đoàn thể, họ ý thức được mình đang phục vụ cộng đồng, phụng sự dân tộc, đất nước… Đã ý thức được trách nhiệm, bổn phận của mình là phụng sự cộng đồng thì sẽ nhìn những hành động vụ lợi là rất xấu, qua đó giảm thiểu nguy cơ vi phạm vì động cơ ích kỷ.
Tuy nhiên, con người là những thực thể rất khó lường. Hôm nay có thể ý thức được những giá trị đạo đức, nhưng ngày mai thì không chắc bởi nhiều yếu tố tác động. Có thể ở quá khứ anh trong sạch, nhưng khi ở nấc thang khác lại thiếu kiểm soát, dẫn tới sự lệch chuẩn. Vì thế, thời gian vừa qua, Đảng và Nhà nước cũng ban hành nhiều quy định, quy tắc để hoàn thiện các điều kiện thể chế ràng buộc, kiểm soát hành vi của cán bộ trong hệ thống chính trị, đặc biệt là các cơ quan công quyền.
Việc vun đắp các giá trị đạo đức cần sự bền bỉ, từ gia đình, nhà trường, cơ quan công quyền, truyền thông đại chúng…và phụ thuộc vào sự tiếp nhận của mỗi cá nhân. Nhấn mạnh yếu tố đạo đức là đúng, nhưng cũng cần sự kín kẽ của các điều kiện thể chế để điều chỉnh, kiểm soát, cảnh báo các hành vi lệch chuẩn.
Trong nhiều năm trở lại đây, Đảng, Nhà nước đang đẩy mạnh công cuộc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Việc xử lý cán bộ vi phạm ngoài mục tiêu trước mắt là làm sạch hệ thống công quyền, củng cố niềm tin của người dân vào Đảng, Nhà nước, thì mục đích quan trọng hơn, cao hơn và xa hơn là để những người tài năng và liêm chính có cơ hội phụng sự đất nước. Tôi cho rằng đây mới là thông điệp quan trọng cho cả hệ thống chính trị và xã hội, qua đó góp phần củng cố quan niệm “đạo đức” rằng, khi đã tham gia vào hệ thống công quyền, làm việc cho Nhà nước thì ý thức về sự liêm chính và phụng sự phải được đặt lên hàng đầu.
Có những ý kiến cho rằng, hiện nay xuất hiện tình trạng một bộ phận người trẻ “nhạt Đảng, khô Đoàn”, xa rời chính trị. Giải pháp nào để khắc phục tình trạng này, thưa ông?
Theo tôi, đây là tình trạng phản ánh thực tế khách quan, bởi ở nước nào cũng vậy thôi, không phải ai trong xã hội cũng quan tâm đến chính trị. Ngày xưa, mọi người đều mong muốn vào Đảng để góp sức, chung tay giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Hiện nay, bối cảnh hòa bình và kinh tế thị trường khiến mỗi người có mối quan tâm, lợi ích khác nhau cho nên có những người không quan tâm đến chính trị thì cũng là chuyện bình thường.
Tuy nhiên, ở nước ta, với đặc trưng Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng chính trị duy nhất, đảm nhiệm cả hai vai trò lãnh đạo và cầm quyền thì cần đổi mới cách thức, biện pháp thu hút, tập hợp sự ủng hộ của các lực lượng trong xã hội, trong đó có giới trẻ. Đặc biệt phải quy tụ được những cá nhân “tinh anh” ngay từ khi còn trẻ vào đội ngũ đảng viên.
Cám ơn ông!
Nguồn Báo Tiền Phong