Cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ các trung tâm học tập cộng đồng

15:01 11/01/2024

Việc phát triển mô hình trung tâm học tập cộng đồng được xem là một xu thế tất yếu nhằm thực hiện các chương trình xóa mù chữ, giáo dục sau khi biết chữ và đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương. Nhưng để các trung tâm phát huy hiệu quả cần phải có cơ chế, chính sách riêng.

Những lớp học... không chính quy

Đã nhiều năm nay, việc kết nối giữa Trường THCS Hoàng Tá Thốn (xã Long Thành, huyện Yên Thành) cùng với các ban, ngành, chính quyền xã để triển khai các hoạt động đã không còn là chuyện lạ.

Gần đây nhất, vào sáng thứ Hai của tuần đầu tiên tháng 1/2024, nhà trường đã phối hợp với Công an xã và Đoàn Thanh niên triển khai buổi tuyên truyền về phòng, chống hút thuốc lá và thuốc lá điện tử trong nhà trường. Ngoài tổ chức ở trường, nhà trường cũng đã cùng với một số đơn vị liên quan tổ chức các buổi học tập tại trung tâm học tập cộng đồng ở xã, như tổ chức Tuần lễ học tập hưởng ứng suốt đời, triển khai các chuyên đề về giáo dục...


Hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng tập trung vào 6 chuyên đề về pháp luật, giáo dục kỹ năng sống, chăm sóc sức khỏe...Trong ảnh: Công an xã Long Thành phối hợp với Trường THCS Hoàng Tá Thốn tuyên truyền về phòng chống thuốc lá trong nhà trường. Ảnh: P.V


Là giáo viên phụ trách hoạt động này, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Mai - Trường THCS Hoàng Tá Thốn cho biết: Nhiệm vụ chính của tôi là giáo viên dạy môn Âm nhạc và được giao kiêm nhiệm thêm công tác giáo dục cộng đồng. Tuy phải gánh thêm vai nhưng tôi thấy đây là công việc thiết thực, bởi nhận được sự tham gia của đông đảo học sinh và quần chúng nhân dân.

Ở tuổi 49, thầy giáo Cao Chí Thanh - giáo viên đang dạy tại Trường PT dân tộc bán trú THCS Châu Cam (Con Cuông) cũng đã có gần 10 năm làm công tác kiêm nhiệm của một giáo viên ở trung tâm học tập cộng đồng. Đến với công việc này bằng sự yêu thích, nên mỗi tuần ngoài 14 tiết dạy và làm công tác tại trường, thời gian còn lại thầy đều dành cho lớp cộng đồng ở xã Châu Khê.

Nói thêm về công việc của mình, thầy Thanh cho biết: Tôi được nhà trường tạo điều kiện không phải lên lớp vào ngày thứ Hai và chiều thứ Sáu để hỗ trợ xã tổ chức các lớp dạy trong cộng đồng. Ngoài ra, tôi còn được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện giao nhiệm vụ làm công tác hỗ trợ tư vấn cho một số xã khác như Môn Sơn, Yên Khê, Chi Khê để mở các lớp học. Qua thực tế nhiều năm làm ở lĩnh vực này, tôi thấy nhu cầu của người dân rất lớn. Để đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, ngoài việc tổ chức các lớp học theo 6 chuyên đề chính quy định gồm pháp luật, giáo dục kỹ năng sống, chuyển giao khoa học, kỹ thuật và sản xuất nông nghiệp, chăm sóc sức khỏe... chúng tôi còn phải linh hoạt trong quá trình thực hiện.


Các buổi tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân được tổ chức linh hoạt. Ảnh: PV


Cũng theo thầy Thanh, gọi là lớp học cộng đồng nhưng thực tế không phải như vậy: Lớp học của chúng tôi có khi được tổ chức tập trung tại xã với vài chục người tham gia, nhưng cũng có khi lớp chỉ có vài người, ở ngay trên thửa ruộng đang gieo cấy, đến từng gia đình hoặc có khi là tổ chức ngay sau buổi họp của thôn, bản. Giáo viên không nhất thiết là những người phải tốt nghiệp đại học, có trình độ mà đôi khi là những nông dân sản xuất giỏi, có kinh nghiệm và họ sẽ là những báo cáo viên “người thật, việc thật” của lớp học.

Cần có cơ chế để đầu tư, hỗ trợ

Trung tâm học tập cộng đồng là mô hình giáo dục mới, một thiết chế giáo dục không chính quy được xây dựng tại các địa bàn xã, phường, thị trấn để thỏa mãn nhu cầu học tập suốt đời của người dân trong cộng đồng.

Tại Nghệ An, nhận thức rõ phát triển trung tâm học tập cộng đồng là một trong những giải pháp quan trọng nhằm tạo ra phong trào xã hội học tập và cơ hội học tập cho mọi người, nên những năm qua, các trung tâm học tập cộng đồng đã không ngừng phát triển cả về quy mô, điều kiện cơ sở vật chất và chất lượng, hiệu quả giáo dục.


Bộ đội Biên phòng phối hợp với trung tâm học tập cộng đồng khám sức khỏe cho người dân trên địa bàn xã Châu Khê. Ảnh: P.V


Hiện nay, ngoài huyện Kỳ Sơn, các trung tâm đã giải thể thì 20/21 huyện trong toàn tỉnh vẫn duy trì 439/460 xã, phường, thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng. Theo đánh giá của ngành Giáo dục, nếu các xã, phường, thị trấn có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, hoạt động của các trung tâm tương đối có hiệu quả, hình thức hoạt động khá phong phú; một số mô hình hoạt động bước đầu đã khẳng định được vị trí, chức năng, nhiệm vụ là cơ sở giáo dục thường xuyên, học tập suốt đời của địa phương.

Tiêu biểu như mô hình “Ngôi nhà trí tuệ” ở các huyện Thanh Chương, Yên Thành; mô hình Câu lạc bộ "Ngoại ngữ cộng đồng” tại xã Môn Sơn, huyện Con Cuông; mô hình “Nhà cộng đồng đa năng” (do người dân tự nguyện xây dựng cơ sở vật chất, kêu gọi một số cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu và nghệ nhân hỗ trợ người dân).


Lớp học cộng đồng ngoại ngữ cho người dân kinh doanh homestay tại xã Môn Sơn (Con Cuông). Ảnh: PV


Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng đang có những khó khăn riêng. Tại huyện Yên Thành, hiện mỗi năm các trung tâm học tập cộng đồng thu hút trên 160.000 lượt người tham gia hoạt động.

Tuy vậy, qua thực tế triển khai, ông Trần Xuân Tĩnh - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Thành nói rằng, có một số trung tâm hoạt động chưa thật sự hiệu quả, còn nặng tính hình thức, kế hoạch còn chung chung chưa sát với thực tế địa phương. Bên cạnh đó, điều kiện làm việc của một số trung tâm chưa đảm bảo. Thực tế này cũng diễn ra trên toàn tỉnh, vì hiện nay, chỉ mới có 89/439 trung tâm có trụ sở làm việc riêng, 325/439 trung tâm học tập cộng đồng được trang bị máy vi tính (trong đó, có 368 trung tâm được nối mạng Internet).

Kinh phí hoạt động của trung tâm mỗi năm chỉ có 25 triệu đồng là quá ít so với nhu cầu học tập của nhân dân. Bên cạnh đó, việc chi phụ cấp kiêm nhiệm cho cán bộ tham gia quản lý trung tâm bị cắt từ ngày 1/7/2023 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tư tưởng làm việc của anh em. Hơn thế, nếu là giáo viên, tôi cho rằng, cần có cơ chế riêng cho những giáo viên kiêm nhiệm thêm công tác cộng đồng như giảm số tiết ở trường để có thêm thời gian cho công tác ở xã.

THẦY GIÁO CAO CHÍ THANH - GIÁO VIÊN ĐANG DẠY TẠI TRƯỜNG PT DÂN TỘC BÁN TRÚ THCS CHÂU CAM - CON CUÔNG

Liên quan đến nội dung này, mới đây, trong tham luận tại Hội thảo khoa học về phát triển trung tâm học tập cộng đồng, ông Nguyễn Văn Khoa – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã chỉ ra một số khó khăn, bất cập, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa. Bởi lẽ ở đây dù trình độ văn hóa, trình độ nghề nghiệp, kỹ năng sống của người lao động thấp, nhưng các loại hình giáo dục không chính quy chưa được coi trọng đúng mức, chưa được tổ chức thành hệ thống chặt chẽ, nội dung, phương pháp hoạt động còn đơn điệu, thiếu linh hoạt nên chưa phù hợp và đáp ứng nhu cầu của người học. Một số nơi hoạt động còn thụ động, hoạt động chưa hiệu quả.


Học sinh Trường THPT Thanh Chương 3 đọc sách tại "Ngôi nhà trí tuệ". Ảnh: PV


Sở Giáo dục và Đào tạo cũng cho rằng, hiện nay, ngân sách hỗ trợ cho các trung tâm hoạt động đang thực hiện theo Thông tư số 96/2008/TT-BTC ngày 27/10/2008, với kinh phí hỗ trợ mua sắm trang thiết bị ban đầu cho trung tâm mới thành lập tối thiểu là 30 triệu đồng; kinh phí hỗ trợ chi trả phụ cấp kiêm nhiệm cho cán bộ tham gia vào công tác quản lý, kinh phí hỗ trợ mua sắm bổ sung tài liệu, sách giáo khoa, đồ dùng phục vụ công tác giảng dạy, học tập hàng năm từ 20-25 triệu đồng/trung tâm/năm là còn thấp.

Vì vậy, để các trung tâm hoạt động bền vững, hiệu quả cần có các cơ chế, chính sách phù hợp, có tính thực tiễn cao. Muốn vậy, cần rà soát, đề xuất xây dựng, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, cá nhân được tiếp cận hoặc tạo ra những cơ hội học tập cho mọi người dân, trong đó, chú trọng cơ chế, chính sách thu hút tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia mở các lớp học, các cơ sở dạy nghề dành cho các đối tượng thiệt thòi.

Bên cạnh đó, cần khuyến khích, vận động các doanh nghiệp xây dựng “Quỹ học tập suốt đời” để tổ chức các hoạt động học tập suốt đời và hỗ trợ người lao động học tập, đào tạo lại và đào tạo thường xuyên. Về phía cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc ban hành các nghị quyết, quyết sách, cần quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, kinh phí, trang thiết bị, về nhân sự tham gia giảng dạy cho các trung tâm học tập cộng đồng./.

Nguồn Báo Nghệ An

LIÊN KẾT WEBSITE

 
 
 

Các đơn vị khác