BAN GIÁM SÁT ĐẦU TƯ CỦA CỘNG ĐỒNG Ở CƠ SỞ TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN THANH CHƯƠNG

15:06 05/06/2024

(Mặt trận) Giám sát là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhằm thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân đã được Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở quy định và là nhiệm vụ được Đảng giao tại Quyết định 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị, Quy định 124-QĐ/TW ngày 2/2/2018 của Ban Bí thư… Giám sát được thực hiện bằng nhiều hình thức nhưng ở cơ sở có 2 hình thức chủ yếu là thông qua hoạt động của Ban Thanh tra Nhân dân (BTTND) và Ban giám sát đầu tư của cộng đồng (BGSĐTCCĐ).

Xác định được vai trò quan trọng của BTTND và BGSĐTCCĐ nên trong những năm qua, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện Thanh Chương đã chỉ đạo, hướng dẫn cấp cơ sở triển khai thực hiện tốt những nhiệm vụ sau đây:

Ảnh 1: Lãnh đạo MTTQ Việt Nam tỉnh và huyện tặng hoa cho các đội tham gia Hội thi ở cơ sở đầu tiên của Tỉnh

Đối với Ban Thanh tra Nhân dân:

- Theo quy định, sau khi bầu xong Trưởng thôn theo nhiệm kỳ, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam cấp xã có trách nhiệm ban hành quyết định bầu thành viên BTTND trước ngày bầu cử ít nhất 20 ngày, phân bổ số lượng thành viên BTTND được bầu cho từng khu dân cư và hướng dẫn việc tổ chức hội nghị của cộng đồng dân cư ở thôn, tổ dân phố để bầu thành viên BTTND. Khi các khu dân cư đã bầu xong, Uỷ ban MTTQ Việt Nam cấp xã ra nghị quyết công nhận, đồng thời tổ chức cuộc họp của BTTND để bầu Trưởng ban, Phó Trưởng ban và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên; thông báo kết quả bầu và thành phần BTTND đến HĐND, UBND cùng cấp và Nhân dân ở địa phương. Hàng năm, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam cấp xã trình UBND cùng cấp phân bổ kinh phí hoạt động; khi cần thiết, chỉ đạo cho thôi và bầu bổ sung thành viên BTTND xã.

- Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam cấp xã thực hiện tốt các nhiệm vụ: (i) hướng dẫn BTTND xây dựng chương trình, kế hoạch, nội dung công tác; xem xét báo cáo hoạt động và hướng dẫn, chỉ đạo hoạt động của BTTND; tham gia hoạt động của BTTND khi xét thấy cần thiết; (ii) xác nhận biên bản, kiến nghị và đôn đốc việc giải quyết kiến nghị của BTTND; (iii) động viên Nhân dân ở địa phương ủng hộ, phối hợp, tích cực hỗ trợ hoạt động của BTTND; (iv) hỗ trợ kinh phí hoạt động cho BTTND từ nguồn ngân sách đã cấp.

Ảnh 2: Ông Phan Đình Hà, Chủ tịch UBMTTQ huyện quán triệt, triển khai luật thực hiện Dân chủ ở cơ sở bằng hình thức trực tuyến đến 38/38 xã, thị trấn với hơn 12.000 người tham gia

Đối với giám sát đầu tư của cộng đồng:

- Chủ động tổ chức BGSĐTCCĐ theo từng chương trình, dự án. Theo quy định BGSĐTCCĐ có ít nhất là 05 thành viên, gồm 01 thành viên do Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam cấp xã cử ra, 01 thành viên do BTTND cùng cấp cử ra, còn lại là đại diện người dân nơi có chương trình, dự án do cộng đồng dân cư bầu. Khi các khu dân cư đã bầu xong, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam cấp xã ra quyết định công nhận và tổ chức cuộc họp để bầu Trưởng ban, Phó Trưởng ban và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên. Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam cấp xã gửi thông báo cho chủ chương trình, chủ đầu tư, ban quản lý chương trình, dự án về kế hoạch giám sát và thành phần BGSĐTCCĐ chậm nhất là 45 ngày trước ngày thực hiện; thông báo về thành phần BGSĐTCCĐ đến HĐND, UBND cùng cấp và Nhân dân ở địa phương.

- Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam cấp xã hướng dẫn BGSĐTCCĐ xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát chương trình, dự án đầu tư theo quy định của pháp luật; hỗ trợ BGSĐTCCĐ trong việc thông tin liên lạc, lập và gửi các báo cáo giám sát; xác nhận văn bản kiến nghị, phản ánh của BGSĐTCCĐ trước khi gửi cơ quan có thẩm quyền; đôn đốc việc giải quyết kiến nghị của BGSĐTCCĐ; động viên Nhân dân ở địa phương tích cực tham gia kiểm tra, giám sát tại cộng đồng và ủng hộ, hỗ trợ hoạt động của BGSĐTCCĐ; hỗ trợ kinh phí hoạt động cho BGSĐTCCĐ từ nguồn ngân sách nhà nước theo dự toán, kế hoạch hằng năm.

Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022

Để giúp cơ sở thuận lợi trong công tác chỉ đạo, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện đã tổ chức tập huấn, xây dựng mẫu tất cả các loại văn bản của BTTND và BGSĐTCCĐ; định kỳ mỗi quý một lần tổ chức giao ban trực tuyến để giải đáp các vướng mắc, trao đổi kinh nghiệm trong công tác. Nhờ đó, trong nhiệm kỳ 2019-2024, BTTND các xã, Thị trấn đã tổ chức được 341 cuộc kiểm tra, giám sát, xác minh; BGSĐTCCĐ đã giám sát 418 công trình. Điều rất đáng mừng là các kiến nghị của BTTND, BGSĐTCCĐ có chất lượng, được các cơ quan có thẩm quyền tiếp thu, giải quyết.

Trong quá trình thực hiện chức năng giám sát, nhiều nội dung như giám sát việc thực hiện hỗ trợ người bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam các xã trên toàn huyện giao cho BTTND thực hiện từ khi triển khai đến khi kết thúc. Nhiều địa phương chỉ đạo BGSĐTCCĐ giám sát việc xây dựng các công trình có chất lượng như Thanh Lĩnh, Thanh Sơn, Thanh Tiên, Thanh Lâm...

Tuy nhiên, qua thực tiễn hoạt động, chúng tôi cũng nhận thấy việc chỉ đạo hoạt động của BTTND, BGSĐTCCĐ ở cơ sở vẫn còn một số hạn chế như BTTND chưa tập trung kiểm tra, giám sát những vấn đề nổi cộm ở địa phương; BGSĐTCCĐ chưa quan tâm kiến nghị những ảnh hưởng của việc thi công công trình đến cộng đồng xã hội; một số dự án do cấp huyện trở lên làm chủ đầu tư chưa được GSĐTCCĐ…

Nghị quyết Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam huyện Thanh Chương nhiệm kỳ 2024-2029 đã đề ra chỉ tiêu 100% Ban Thanh tra Nhân dân cấp xã xây dựng và triển khai thực hiện tốt kế hoạch kiểm tra, giám sát hàng năm; 100% dự án đầu tư công trên địa bàn được giám sát đầu tư của cộng đồng. Để thực hiện được chỉ tiêu này, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện sẽ phân công cán bộ tăng cường kiểm tra, hướng dẫn Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam các xã, Thị trấn; định kỳ hàng tháng tổ chức giao ban trực tuyến để kịp thời xử lý vướng mắc của các BTTND và BGSĐTCCĐ.

Từ thực tiễn, chúng tôi thấy hoạt động của BTTND và BGSĐTCCĐ còn gặp một số khó khăn cần được cấp trên tháo gỡ:

Một là, kinh phí phân bổ cho giám sát đầu tư của cộng đồng hàng năm nên theo số lượng chương trình, dự án được giám sát, không nên theo bình quân như hiện nay để tránh tình trạng năm có nhiều chương trình, dự án thì không đủ chi.

Hai là, Nhà nước cần có quy định bắt buộc các chủ đầu tư trước khi triển khai phải gửi hồ sơ, tài liệu cho Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam cấp xã nơi triển khai chương trình, dự án để MTTQ chủ động trong việc tổ chức giám sát.

Ba là, rà soát lại tất cả các văn bản hướng dẫn đã ban hành về thanh tra nhân dân và GSĐTCCĐ vì hiện có nhiều quy định chồng chéo, trái ngược nhau. Ví dụ mục 2.5, II của Thông tri số 40/TTr-MTTQ-BTT ngày 26 tháng 3 năm 2024 quy định “Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam cấp xã trình Uỷ ban MTTQ Việt Nam cấp xã ra quyết định công nhận Ban GSĐTCCĐ” nhưng điểm e, 3, Điều 26 Điều lệ MTTQ Việt Nam khoá IX quy định Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam cấp xã quyết định công nhận BGSĐTCCĐ. Phần (v), b, 5.2, II của Thông tri 40/TTr-MTTQ-BBT hướng dẫn BGSĐTCCĐ “theo dõi, đánh giá hiệu quả đầu tư...” nhưng Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở không quy định nhiệm vụ này...

Thanh tra nhân dân và giám sát đầu tư của cộng đồng là 2 hình thức giám sát cơ bản của MTTQ Việt Nam ở cơ sở. Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện Thanh Chương xác định chỉ đạo, hướng dẫn và đảm bảo điều kiện cho BTTND, BGSĐTCCĐ hoạt động có hiệu quả là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu MTTQ Việt Nam huyện nhiệm kỳ 2024-2029.

Phan Đình Hà – Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thanh Chương

LIÊN KẾT WEBSITE

 
 
 

Các đơn vị khác