Công tác đối ngoại nhân dân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã và đang góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là một bộ phận quan trọng của công tác đối ngoại của nước ta, hậu thuẫn, hỗ trợ đắc lực cho công tác đối ngoại của Đảng, ngoại giao của Nhà nước đạt hiệu quả. Trải qua hơn ba thập kỷ đổi mới, bên cạnh nhiều thành tựu đã đạt được, công tác đối ngoại nhân dân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục bằng nhiều giải pháp đồng bộ.
Thực trạng công tác đối ngoại nhân dân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ đổi mới
Hơn ba thập kỷ đổi mới, công tác đối ngoại nhân dân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đạt được nhiều thành tựu quan trọng và đáp ứng ngày càng tốt hơn trong thực hiện chủ trương đa dạng hóa, đa phương hóa và tích cực, chủ động hội nhập quốc tế của Đảng.
Văn kiện Đại hội XII của Đảng khẳng định: “… đối ngoại nhân dân được triển khai đồng bộ, hiệu quả, có bước phát triển mới”1. Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhiệm kỳ 2019-2024 chỉ rõ: “Thực hiện chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và chính sách ngoại giao Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân của Uỷ ban Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên không ngừng được mở rộng, nâng cao chất lượng và hiệu quả”2.
Nội dung và phương thức công tác đối ngoại nhân dân của Mặt trận được xác định luôn theo sát đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, nhất là Chỉ thị số 44-CT/TW, ngày 20/9/1994 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá VII) về "Mở rộng và đổi mới hoạt động đối ngoại nhân dân", Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 6/7/2011 của Ban Bí thư về “Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới”; Chỉ thị 28-CT/TW ngày 2/12/2008 về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam” cơ bản là đúng đắn, toàn diện, phù hợp và có tính khả thi.
Lực lượng tham gia công tác đối ngoại nhân dân của Mặt trận ngày càng đông đảo; có quy chế hoạt động. Các cơ quan như: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Đối ngoại Trung ương, Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam cùng các tổ chức chính trị - xã hội khác đều có các hướng dẫn cụ thể, trực tiếp tổ chức hoặc phối hợp tổ chức các hoạt động liên quan đến đối ngoại nhân dân. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên giữ mối quan hệ thường xuyên với lãnh đạo một số tổ chức quốc tế, đại sứ các nước tại Việt Nam; đã ký kết “Chương trình phối hợp hoạt động đối ngoại Nhân dân và công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2016 - 2019”3.
Nguồn lực tài chính cho công tác đối ngoại nhân dân của Mặt trận được bảo đảm ngày càng tốt hơn, các phương thức hoạt động công tác đối ngoại nhân dân được nâng lên một bước theo hướng hiện đại.
Công tác đối ngoại nhân dân thời gian qua đạt một số kết quả, giá trị viện trợ không hoàn lại trên 4 tỷ USD tương đương 300 triệu USD/năm cho công tác giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội. Riêng năm 2018, giá trị viện trợ từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài được duy trì, ước tính đạt khoảng 300 triệu USD với hàng nghìn dự án đóng góp tích cực vào công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống cho nhân dân, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa. Tác dụng về chính trị của công tác đối ngoại nhân dân cũng rất lớn. Công tác đối ngoại nhân dân đã góp phần tích cực vào việc giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác, tạo điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc đổi mới,… nâng cao vị thế và uy tín của nước ta trên trường quốc tế, xây dựng lòng tin và sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế, đồng thời góp phần vào cuộc đấu tranh chung vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Văn kiện Đại hội IX Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhận định: “Hoạt động đối ngoại của Mặt trận và các tổ chức thành viên ngày càng mở rộng và đa dạng, đóng góp hiệu quả cho công tác đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước, tăng cường tin cậy chính trị, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế”.
Bên cạnh những ưu điểm trên, công tác đối ngoại nhân dân vẫn còn một số hạn chế, kết quả hoạt động đối ngoại nhân dân chưa tương xứng với tiềm năng và vị thế của Mặt trận; công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại kết quả chưa rõ nét. Nguyên nhân là do giải pháp công tác đối ngoại nhân dân chưa thật chính xác, phù hợp, ảnh hưởng nhất định đến kết quả tổ chức thực hiện. Sự phát triển mạnh mẽ về chiều rộng và chiều sâu của công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, mở cửa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế đặt ra yêu cầu và đòi hỏi ngày càng cao đối với công tác đối ngoại, trong đó có công tác đối ngoại nhân dân của Mặt trận. Việc tạo thuận lợi cho công tác đối ngoại nhân dân của Mặt trận của một số cơ quan Trung ương, cơ quan chính quyền ở một số địa phương chưa thường xuyên; nguồn tài chính và các phương tiện để tiến hành công tác đối ngoại nhân dân của Mặt trận còn hạn hẹp; chế độ chính sách đãi ngộ cán bộ, công chức Mặt trận nói chung, cán bộ làm công tác đối ngoại nhân dân nói riêng chưa thoả đáng, còn những bất cập; việc thu hút người có năng lực và trình độ về làm việc ở Ủy ban Mặt trận các cấp vẫn là vấn đề khó khăn. Mặt khác, các thế lực thù địch tăng cường vu khống, xuyên tạc làm giảm uy tín và vị thế của Đảng, Nhà nước, dân tộc Việt Nam ở nhiều nơi trên thế giới.
Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đáp ứng yêu cầu của tình hình mới
Thứ nhất, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các tổ chức thành viên về nâng cao chất lượng công tác đối ngoại nhân dân. Đổi mới và nâng cao chất lượng việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm về nâng cao chất lượng công tác đối ngoại nhân dân trong các cấp uỷ, cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các tổ chức thành viên. Đẩy mạnh việc tổ chức và nâng cao chất lượng các hội nghị, hội thảo khoa học và việc triển khai thực hiện các đề tài khoa học về công tác đối ngoại nhân dân. Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên về đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội bảo đảm an ninh, quốc phòng, đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước; các quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác đối ngoại nhân dân. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông đại chúng để tuyên truyền về công tác đối ngoại nhân dân.
Thứ hai, Uỷ ban Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên quán triệt sâu sắc, tiến hành cụ thể hoá và tổ chức thực hiện tốt Chương trình hành động “Tăng cường đoàn kết quốc tế, mở rộng hoạt động đối ngoại nhân dân” cùng với các chương trình khác do Đại hội IX Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề ra. Đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại nhân dân theo phương châm “chủ động, sáng tạo, hiệu quả”, tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước trên thế giới, góp phần mở rộng quan hệ đối ngoại của Đảng, tăng cường ngoại giao của Nhà nước, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương đối ngoại của Đảng, chính sách ngoại giao của Nhà nước. Xây dựng hình ảnh đất nước và con người Việt Nam mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc, yêu chuộng hoà bình, thân thiện và cởi mở. Vận động, tạo sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia, giữ vững hoà bình, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước. Tiếp tục duy trì, củng cố quan hệ hữu nghị hợp tác với tổ chức Mặt trận, các đoàn thể nhân dân của các nước đối tác truyền thống; tăng cường quan hệ hợp tác với các tổ chức nhân dân các nước láng giềng và cộng đồng ASEAN; từng bước mở rộng hợp tác với các tổ chức tương đồng trong khu vực và thế giới; tăng cường quan hệ hợp tác với các cơ quan đại diện ngoại giao, các cơ quan của Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam để góp phần thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, giúp đỡ người nghèo, cứu trợ thiên tai, triển khai các hoạt động đảm bảo an sinh xã hội.
Đại hội IX Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xác định 5 giải pháp cơ bản: Một là, tham mưu, phối hợp để thực hiện đúng chủ trương của Đảng, sự quản lý của Nhà nước trong việc triển khai các công tác đối ngoại nhân dân, từ khâu xây dựng kế hoạch đến việc tiến hành triển khai các hoạt động cụ thể. Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại. Hai là, phối hợp chặt chẽ giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, trong hoạt động đối ngoại nhân dân để tạo sự liên kết, thống nhất, đồng bộ và hỗ trợ lẫn nhau trong triển khai các hoạt động đối ngoại nhân dân. Ba là, phối hợp với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan ngoại giao của Việt Nam phát huy vai trò của cộng đồng, các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài và các Ủy viên Ủy ban là người Việt Nam ở nước ngoài làm cầu nối, hỗ trợ công tác đối ngoại nhân dân của Mặt trận. Bốn là, triển khai thực hiện các biên bản ghi nhớ, thoả thuận hợp tác của Mặt trận đã ký kết, tiếp tục mở rộng hợp tác với đối tác mới; tăng cường các hoạt động giao lưu, kết nghĩa giữa Mặt trận, các tổ chức thành viên ở cấp Trung ương và các địa phương với các tổ chức tương đồng trong khu vực và trên thế giới, nhất là với các nước láng giềng; tổng kết, nhân rộng các mô hình kết nghĩa, giao lưu hữu nghị và các mô hình đối ngoại hoạt động có hiệu quả. Nghiên cứu tham gia các cơ chế đa phương phù hợp trong khu vực và trên thế giới. Năm là, tăng cường vai trò của địa phương, cơ sở trong củng cố tình đoàn kết hữu nghị với Nhân dân các nước láng giềng, xây dựng đường biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Thứ ba, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Mặt trận tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng công tác đối ngoại nhân dân hiện nay. Quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo. mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết Trung ương 6 (khoá XII) về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, trong đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án cụ thể khoa học, khả thi về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Mặt trận tinh gọn.
Thứ tư, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp, nhất là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các tổ chức thành viên về phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng công tác đối ngoại nhân dân của Mặt trận. Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các cấp quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của Nghị quyết Trung ương 7 (khoá XII) về “xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp,…” trong xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ được giao và đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng công tác đối ngoại nhân dân của Mặt trận.
Phát huy mạnh mẽ vai trò tiền phong và nêu gương của đảng viên hoạt động trong Mặt trận Tổ quốc các cấp, nhất là những đảng viên hoạt động trong các tổ chức chuyên làm công tác đối ngoại nhân dân của Mặt trận. Tạo thuận lợi cho cán bộ Mặt trận tự học, tự rèn luyện nâng cao phẩm chất năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng công tác đối ngoại nhân dân của Mặt trận.
Đinh Ngọc Giang