Với lòng đam mê và tình yêu sâu sắc dành cho văn hóa dân tộc Thái, nhiều năm qua, Nghệ nhân Ưu tú Sầm Thị Xanh ở xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã dành nhiều tâm huyết trong việc lưu giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ.
Ở huyện Quỳ Châu, nhiều người biết đến bà Sầm Thị Xanh với vai trò là nghệ nhân tâm huyết trong công tác vận động học sinh, người dân giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái.
Nghệ nhân Ưu tú Sầm Thị Xanh truyền dạy văn hóa dân tộc Thái cho các em học sinh tại địa phương. (Ảnh: Thu Hương)
Là giáo viên về nghỉ hưu theo chế độ năm 2010, bà dành nhiều thời gian với niềm đam mê văn hóa, văn nghệ. Năm 2011, bà tham gia học lớp học chữ Thái cổ, tham gia Câu lạc bộ chữ Thái. Sau đó, bà tự mày mò, nghiên cứu kỹ hơn về chữ Thái cổ và cùng với các thành viên trong câu lạc bộ (CLB) bàn bạc đưa ra quyết định mở lớp truyền dạy văn hóa dân tộc Thái cho các em học sinh, người dân tại địa phương.
Chia sẻ về những ngày đầu mở lớp truyền dạy văn hóa dân tộc Thái, bà Sầm Thị Xanh cho biết, nhiều gia đình không muốn cho con theo học bởi vì muốn con tập trung vào học các môn văn hóa trong trường học. Nhiều người còn cho rằng, học văn hóa Thái là học hát nhuôn, hát xuối không cần thiết, bởi xã hội khi phát triển, sẽ ít người còn nghe và không cần phải hiểu sâu văn hóa dân tộc thiểu số. Cùng với đó, một số thành viên trong CLB tuổi đã cao nên con cái không muốn bố mẹ mình “vác tù và hàng tổng”.
Chính những khó khăn đó khiến cho việc vận động học sinh, người dân theo học văn hóa Thái không được như kỳ vọng, số lượng đăng ký học không nhiều, chủ yếu là con cháu của các thành viên trong CLB.
Bà Xanh đang truyền dạy làn điệu dân ca dân tộc Thái với các ông bà, các em học sinh, để bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Thái. (Ảnh: Thu Hương)
Tuy nhiên, vượt qua những khó khăn đó, với tinh thần đoàn kết, nhiệt tình, các thành viên CLB văn hóa dân tộc Thái đã không quản ngại khó khăn, đến từng nhà để vận động phụ huynh và học sinh về nghỉ hè tham gia học văn hóa Thái. Kết quả hơn cả ngoài sự mong đợi, nhiều năm qua, cứ vào mỗi dịp Hè về, hàng chục em học sinh tham gia học văn hóa Thái.
Được sự tín nhiệm của mọi người, từ năm 2011 đến nay, bà Sầm Thị Xanh được bầu làm Phó Chủ nhiệm CLB Văn hóa Thái tại bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu. Sau gần 13 năm cố gắng kiên trì vận động, CLB đã thay đổi được suy nghĩ trước đây của người dân. Đến nay, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ đã trở thành một phong trào lan rộng khắp làng trên, bản dưới.
Truyền dạy hát lăm, hát nhuôn, múa lăm vông, nhảy sạp... cho người dân địa phương. (Ảnh: Thu Hương)
Mỗi dịp có lễ hội của làng, của bản, những nét văn hóa dân tộc như sắc phục dân tộc, hát nhuôn, xuối, chơi các trò chơi văn hóa dân gian, nhảy sạp, khắc luống là điểm nhấn, là niềm tự hào của mỗi người dân bản Hoa Tiến và của cả xã Châu Tiến.
Chia sẻ về kinh nghiệm tổ chức truyền dạy văn hóa dân tộc Thái, bà Sầm Thị Xanh tâm huyết: "May mắn là từ một nhà giáo về hưu nên bản thân tôi luôn nuôi dưỡng tình yêu sâu sắc với văn hóa và tích lũy cho mình các kỹ năng tổ chức lớp học.
Để những nội dung truyền dạy in sâu vào tâm trí của các cháu học sinh và người theo học phải tùy từng đối tượng, nhưng quan trọng nhất lớp học phải thật sự cởi mở, vui vẻ thì người học mới dễ hiểu và dễ nhớ. Vì vậy, khi đứng trước học viên, các ông bà trong CLB đã tổ chức dạy cho các cháu học hát lăm, hát nhuôn, múa lăm vông, nhảy sạp, khắc luống, đánh cồng chiêng, tạo nên một không gian “học mà chơi, chơi mà học”.
Từ năm 2013 đến nay, Nghệ nhân Ưu tú Sầm Thị Xanh tham gia cùng CLB mở được 21 lớp học chữ Thái với 170 cháu học sinh đọc thông viết thạo, trong đó có nhiều lớp được Ban Dân tộc tỉnh tổ chức truyền dạy cho các xã khác. Nhiều học sinh của CLB đã đạt được các giải thưởng cao từ các hội thi cấp huyện, cấp tỉnh tổ chức.
Đặc biệt, từ năm 2011, Uỷ Ban nhân dân huyện Quỳ Châu và xã Hoa Tiến có chủ trương xây dựng làng du lịch cộng đồng Hoa Tiến gắn phát triển du lịch với giữ gìn phát huy văn hóa dân tộc Thái cổ. Đây là cơ hội để văn hóa dân tộc Thái có dịp được phát huy, lan tỏa trong cộng đồng.
Đến nay, các làn điệu nhuôn, lăm, khắp đã trở thành đặc sản của làng du lịch cộng đồng Hoa Tiến, tạo nên sức hấp dẫn, thu hút ngày càng nhiều đoàn khách tham quan và trải nghiệm; góp phần thúc đẩy phát triển ngành du lịch huyện Quỳ Châu.
Tiết mục văn nghệ của xã Châu Tiến chuẩn bị tham gia Chương trình "Sắc Xuân miền Tây".
Không chỉ dành nhiều tâm huyết trong việc lưu giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái, bà Sầm Thị Xanh còn làm tốt công tác xã hội tại địa phương. Năm 2020 đến nay, với cương vị Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Châu Tiến, Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã kiêm Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi bản Hoa Tiến 2, bà luôn tham gia tích cực mọi lĩnh công tác, nhiều năm liền được công nhận chi hội xuất sắc cấp huyện, cấp tỉnh.
Với sự nỗ lực và tâm huyết của bản thân, chủ động tham mưu thực hiện nhiệm vụ được giao trong hoạt động các lĩnh vực nói trên, năm 2022, bà Sầm Thị Xanh vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú” vì đã có cống hiến xuất sắc trong giữ gìn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc. Năm 2023, bà được Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An tặng Bằng khen.
Đây là vinh dự và cũng là trách nhiệm để nghệ Nhân Ưu tú Sầm Thị Xanh tiếp tục cống hiến và truyền lửa đam mê cho thế hệ trẻ gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa Thái...
Theo baonghean.vn