NGƯỜI ĐÀN ÔNG VÙNG CAO NGHỆ AN TỰ CHẾ TÁC NHIỀU LOẠI NHẠC CỤ DÂN TỘC

16:08 08/08/2024

Ông Kha Văn Hưng (SN 1964), ở bản Quang Phúc, xã Tam Đình, huyện Tương Dương nổi tiếng là người đam mê nhạc cụ dân tộc, luôn gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc của đồng bào. Không những thế, ông còn tự chế tác nhiều loại nhạc cụ dù chưa học qua bất kỳ trường lớp nào.

Căn nhà của ông Kha Văn Hưng ở bản Quang Phúc, xã Tam Đình. Chưa kịp bước lên vào nhà, chúng tôi đã nghe vang lên tiếng đàn nhị trong trẻo, réo rắt như mời gọi khách từ phía gian bếp. Bên trong gian bếp lửa bập bùng để hông xôi, ông Hưng đang nhẹ nhàng lướt những ngón tay điêu luyện trên chiếc đàn nhị do chính ông chế tạo. (Ảnh: Đình Tuân)

Nói về niềm đam mê học đàn của mình, ông Hưng cho biết: “Hồi ấy, tôi say mê âm nhạc, đến nỗi hễ nghe ở đâu có tiếng đàn, tiếng sáo vang lên là tôi quên hết mọi việc tìm đến để học. Nhờ vậy, mà khoảng 15-16 tuổi tôi đã biết sử dụng nhiều loại nhạc cụ như sáo, khèn bè, nhị, tùng tinh, xí xo, ghi ta... Khi đó nhà tôi nghèo lắm, không có tiền mua nhạc cụ, tôi phải tự tìm tòi học hỏi cách chế tạo. Mỗi khi thấy người lớn trong bản vào rừng vót tre, nứa... để làm nhạc cụ là tôi lại xin theo, nhìn và bắt chước, làm dần dần rồi thành quen tay và thạo nghề. Trong ảnh: Ông Hưng đang làm dây kéo nhị. (Ảnh: Đình Tuân)

Từ đó, ông Hưng cũng trở thành một người chế tác nhạc cụ xuất sắc, tinh xảo và không kém phần độc đáo, đặc biệt âm thanh phát ra từ những loại nhạc cụ do ông Hưng chế tác đều rất chuẩn. (Ảnh: Đình Tuân)

“Tôi làm được khá nhiều loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào dân tộc Thái, rồi các loại sáo, đàn ghi ta, ghi ta điện... Nhưng tôi vẫn thấy làm nhị là cầu kỳ và phức tạp nhất. Bởi, nếu làm không chuẩn thì âm thanh phát ra khi mình kéo sẽ không hay. Cầu vĩ, trục dây, cần nhị tôi tận dụng gỗ sắn có để làm. Công đoạn khó nhất trong chế tác đàn nhị, đó là làm ống nhị. Đây là 1 bầu cộng hưởng có tác dụng khuếch đại âm thanh của đàn. Ống nhị tôi làm từ ống dẫn nước bằng nhựa. Một đầu ống nhị tôi bịt kín bằng da rắn hoặc da cóc” - ông Hưng chia sẻ. Trong ảnh: Chiếc đàn nhị do ông Hưng tự chế tác. (Ảnh: Đình Tuân)

Do đã làm nhiều, nên trong quá trình chế tác một số loại nhạc cụ từ tre nứa, ông Hưng chỉ dùng tay hoặc cần một sợi dây để đo vị trí khoan lỗ và khoảng cách dài, ngắn của ống nứa mà không cần đến thước. Ống nứa được ông lựa chọn để làm sáo thường không quá già vì sẽ bị nặng tay, lấy non thì bị méo âm... Đã làm quen tay, nên các nhạc cụ được ông làm rất nhanh. Trong ảnh: Ông Hưng đang làm ghi ta điện. (Ảnh: Đình Tuân)

Với ông Hưng niềm đam mê chơi nhạc và chế tác nhạc cụ như đã thấm vào máu thịt, cứ lúc nào rảnh rỗi là ông lại chế tác, lại chơi nhạc. Trong ảnh: Ông giới thiệu về bộ sưu tập các loại nhạc cụ tự tay chế tác. (Ảnh: Đình Tuân)

Nói về việc bảo tồn âm nhạc truyền thống của mình, ông Hưng luôn trăn trở: “Điều tôi mong mỏi lớn nhất là thế hệ trẻ trong bản tiếp nối truyền thống cha ông để giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Hiện nay, lớp thanh thiếu nhi trong bản vẫn chưa thật sự có niềm đam mê với những nhạc cụ truyền thống của dân tộc. Nếu như có người học tôi sẵn sàng dạy cho các cháu”. Được biết, với niềm đam mê âm nhạc của mình, ông Hưng đã thành lập đội nhạc cụ trong bản, do ông làm đội trưởng. Đội nhạc được ông thành lập với mục đích lan tỏa những nét văn hóa độc đáo truyền thống của dân tộc. (Ảnh: Đình Tuân)
Theo baonghean.vn

LIÊN KẾT WEBSITE

 
 
 

Các đơn vị khác