MẶT TRẬN NGHỆ AN - NHỮNG DẤU ẤN NHIỆM KỲ

14:07 10/07/2024

(Mặt trận) Với quyết tâm đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận các cấp; khẳng định vị trí, vai trò “nòng cốt” của Mặt trận trong tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nhiệm kỳ 2019 - 2024 đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét - dấu ấn của sự đổi mới, với 10 điểm nổi bật :

Thứ nhất, xây dựng thành công bộ nhận diện hình ảnh của Mặt trận Nghệ An . Lựa chọn màu vàng lúa chín (một trong bốn màu của biểu trưng MTTQ Việt Nam) làm màu trung tâm trên tất cả các tài liệu, hình ảnh các Trang Thông tin điện tử, Fanpage Mặt trận Nghệ An, Zalo OA chuyển đổi số và gắn biểu tượng Logo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An (Logo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, có chữ Nghệ An được đặt trong đóa Hoa sen hồng, là nhận diện Logo của tỉnh Nghệ An) ; cùng với đó là màu áo vàng đồng phục đã được lan tỏa mạnh mẽ trong hệ thống Mặt trận gắn với hình ảnh người cán bộ Mặt trận. Nghệ An là đơn vị duy nhất xây dựng được hình ảnh người cán bộ Mặt trận thông qua bộ nhận diện. Đồng thời, đã xây dựng được Phòng truyền thống của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, nơi lưu giữ lịch sử 94 năm hào hùng Mặt trận Nghệ An, điểm đến của các thế hệ Mặt trận.

Thứ hai , ứng dụng mạnh mẽ các phương tiện truyền thông mạng xã hội chính thống, góp phần tích cực nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận các cấp ( Trang thông tin điện tử , t rang Fanpage trên facebook , trang Zalo OA chuyển đổi số)

Nhiệm kỳ qua, Mặt trận Nghệ An là một trong những đơn vị tiên phong thực hiện mở rộng không gian mạng xã hội, nhằm khai phá “dư địa” hoạt động mới, góp phần nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến chủ trương, định hướng của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; từng bước đưa công tác Mặt trận “chiếm lĩnh” không gian mạng gắn với công tác giám sát, phản biện xã hội, tăng cường sự đồng thuận của Nhân dân.trong đó, trang Fanpage Mặt trận Nghệ An là trang có số người theo dõi lớn nhất Mặt trận cả nước với hơn 210.000 người thích, hơn 221.600 người theo dõi, cũng là trang đầu tiên, duy nhất đến thời điểm này được mạng xã hội xuyên biên giới Facebook công nhận là trang chính chủ ( cấp tick xanh ngày 01/12/2023 ) ; đây là sự kiện hết sức ý nghĩa, là kết quả của hơn 3 năm tâm huyết, kiên trì xây dựng, học hỏi và phát triển Trang của tập thể lãnh đạo Mặt trận tỉnh và đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp, đã bước đầu hình thành kênh thông tin “hai chiều” giữa người dân và các cấp ủy Đảng, chính quyền, có sự tham gia của Mặt trận. Kịp thời đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các cuộc vận động của Mặt trận các cấp đến với các tầng lớp Nhân dân đã lan tỏa mạnh mẽ trong cả hệ thống Mặt trận cấp huyện, cấp xã và cộng đồng, với 4.784 trang cộng đồng của hệ thống Mặt trận tỉnh và hàng triệu tin bài [1] . Kết quả, được Ban tuyên giáo Tỉnh ủy đề nghị Ban Tuyên Giáo Trung ương tặng Bằng khen về công tác tuyên truyền..

Thứ ba , tổ chức thành công nhiều cuộc thi lớn, có ý nghĩa, tác động mạnh mẽ, sâu sắc trong các tầng lớp Nhân dân góp phần khẳng định vị trí, vai trò của MTTQ và cổ vũ, tôn vinh người làm công tác Mặt trận

Các cuộc thi đã phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước; cổ vũ, tôn vinh người làm công tác Mặt trận, nhân rộng các mô hình hay, điển hình tiêu biểu của nhiệm kỳ, như các Cuộc thi: “Hiến kế ý tưởng về slogan của Mặt trận” năm 2019, kết quả, đã thống nhất 8 chữ vàng thực hiện trong suốt nhiệm kỳ “Bản lĩnh, tinh thông, đồng lòng, đổi mới”; “Hiến kế, giải pháp về đổi mới nội dung và phương thức hoạt động MTTQ các cấp trên địa bàn tỉnh Nghệ An” năm 2020; “Tự hào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” năm 2022 [2] ; “Ban giám sát đầu tư của cộng đồng giỏi” năm 2023 [3] và cuộc thi sáng tác văn, thơ với chủ đề “Mặt trận Nghệ An trong lòng dân” năm 2024 [4] .

Thứ tư , là nhiệm kỳ phát huy cao nhất sức mạnh của Nhân dân thông qua kết quả kêu gọi, vận động các nguồn lực xã hội tiếp nhận qua hệ thống MTTQ các cấp, với gần 5.625,5 tỷ đồng để hỗ trợ người nghèo, cứu trợ thiên tai, dịch bệnh và công tác an sinh xã hội khác, trong đó:

Nguồn lực nhân dân đóng góp để xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh là 2.810 tỷ đồng [5] . Qua đó, góp phần quan trọng đưa 7 đơn vị cấp huyện và 118 xã hoàn thành chương trình mục tiêu cây dựng nông thôn mới, 83 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 12 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu [6] . Nguồn ủng hộ, giúp đỡ người nghèo, các đối tượng yếu thế, công tác cứu trợ, phòng chống đại dịch Covid-19 và các chương trình an sinh xã hội khác là 2.815,5 tỷ đồng [7] .

Từ nguồn vận động này, đã trao quà tết cho 796.453 suất quà người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ xây mới, sửa chữa trên 13.385 ngôi nhà cho hộ nghèo; hỗ trợ sinh kế cho 1.878 hộ nghèo; hỗ trợ phương tiện sản xuất cho 7.851 hộ nghèo; hỗ trợ khám chữa bệnh cho 12.944 người nghèo; hỗ trợ 42.497 học sinh nghèo đi học; hỗ trợ hàng nghìn hộ dân để khắc phục hậu quả thiên tai, khôi phục sửa chữa các công trình dân sinh bị hư hỏng…

Thứ năm, C ó kết quả kêu gọi, vận động “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” cho hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà cao nhất từ trước tới nay, với 13.385 ngôi nhà [8] , dưới sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp

Ngay từ đầu nhiệm kỳ (tháng 10/10/2019), MTTQ tỉnh đã chủ động điều tra, khảo sát nhu cầu hỗ trợ cải thiện nhà ở cho người nghèo trên địa bàn tỉnh, toàn tỉnh có trên 8.160 hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu hỗ trợ cải thiệu nhà ở và báo cáo đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho chủ trương kêu gọi hỗ trợ và tham mưu Bí thư Tỉnh ủy có thư kêu gọi hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở. Kết quả, sau 01 năm số nhà được hỗ trợ là 1.975 nhà, vượt mục tiêu ban đầu là 1.200 nhà và đã lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng; đánh giá giữa nhiệm kỳ giai đoạn 2019 - 2022, toàn tỉnh đã kêu gọi, vận động hỗ trợ được 4.759 ngôi nhà, đạt 95,18% so với chỉ tiêu Nghị quyết nhiệm kỳ 2019-2024 là 5.000 nhà.

Trước thực trạng tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của tỉnh còn cao, đặc biệt toàn tỉnh vẫn còn hơn 16.300 hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nhà ở; Tỉnh ủy đã giao cho MTTQ tỉnh tham mưu tổ chức Lễ phát động và ban hành Chỉ thị 21-CT/TU ngày 10/02/2023 “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023 - 2025”; đây là chủ trương lớn, rất đúng đắn và là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cấp bách của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Nghệ An, đảm bảo cho người dân sớm “an cư lạc nghiệp”, ổn định cuộc sống, từng bước tăng thu nhập, thoát nghèo bền vững và đảm bảo thực hiện thành công Phong trào “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” do Trung ương phát động.

Kết quả, sau hơn 01 năm triển khai thực hiện Chương trình, toàn tỉnh đã huy động các nguồn lực với số tiền quy đổi là 404,1 tỷ đồng; từ nguồn lực này và các nguồn khác đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa được 8.626 ngôi nhà, nhiều hơn số nhà của 8 năm trước cộng lại, nâng tổng số nhà được hỗ trợ, bàn giao đưa vào sử dụng nhiệm kỳ 2019 - 2024 là 13.385 nhà, đạt 267,7% so với chỉ tiêu nhiệm kỳ; có thể nói, đây là nhiệm kỳ của “an cư lạc nghiệp” của hộ nghèo trong tỉnh.

Thứ sáu, Có nhiều đổi mới, sáng tạo kết nối và tri ân những “tấm lòng vàng vì cộng đồng”

Hàng năm, MTTQ tỉnh đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh tổ chức gặp mặt, khen thưởng, tri ân các doanh nghiệp, doanh nhân có nhiều đóng góp cho công tác an sinh xã hội trên địa bàn; tổ chức Vinh danh “Tấm lòng vàng vì cộng đồng”. Nhờ vậy, đã vận động được nguồn lực rất lớn ủng hộ các chương trình an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, MTTQ tỉnh đã duy trì tổ chức gặp mặt, khen thưởng, tri ân các nhóm thiện nguyện, nhà hảo tâm có nhiều đóng góp trong công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, định kỳ 2 năm 1 lần [9] . Qua đó, đã kết nối được các nhóm thiện nguyện, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh với 182 nhóm , trên 78.000 thành viên, đồng thời định hướng công tác thiện nguyện cho thời gian tiếp theo. Kết quả, các nhóm thiện nguyện và các cá nhân hảo tâm đã ủng hộ nhiều chương trình thiện nguyện với tổng giá trị trên 430 tỷ đồng [10] .

Thứ bảy, đã tổ chức phát động, kêu gọi, vận động các tầng lớp Nhân dân trong và ngoài tỉnh, đồng bào các dân tộc, các tôn giáo chung sức, đồng lòng tham gia phòng, chống dịch Covid-19 ; với tổng giá trị tiếp nhận quy đổi trên 308 tỷ đồng, kịp thời hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho người dân bị phong tỏa, cách ly và hỗ trợ cho các lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch; góp phần tích cực cùng cả nước khống chế thành công đại dịch Covid -19. Đặc biệt, MTTQ tỉnh Nghệ An đã kêu gọi, phát động “Tuần lễ vì thành phố mang tên Bác”, đã vận động, quyên góp hơn 300 tấn hàng với trị giá trên 8,72 tỷ đồng để giúp nhân dân thành phố Hồ Chí Minh vượt qua đại dịch; hỗ trợ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và một số tỉnh trong cả nước trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19.

Thứ tám , tổ chức thành công Diễn đàn “Lắng nghe tiếng nói Mặt trận cơ sở”, đây là hoạt động có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với những người làm công tác Mặt trận khi diễn đàn được tổ chức trước thềm Đại hội Mặt trận các cấp nhiệm kỳ 2024 - 2029. Tham gia diễn đàn có gần 14 nghìn cán bộ, công chức và đội ngũ hoạt động không chuyên trách Mặt trận tại 442 điểm cầu.

Thứ chín , tổ chức thành công Chương trình Ngày hội kết đoàn quy mô cấp tỉnh, có sự tham gia của tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Hà Tĩnh , nhân dịp kỷ niệm 93 năm Ngày Truyền thống MTTQ Việt Nam và ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành, quán triệt Nghị quyết 39 về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với chuỗi các hoạt động đặc sắc, như: Triển lãm ảnh chuyên đề “93 năm dưới ngọn cờ đại đoàn kết các dân tộc” ; trưng bày các sản phẩm đặc trưng vùng miền, các hình ảnh, tư liệu về khối đại đoàn kết; Đêm hội kết đoàn với Lễ hội đường phố “Sắc màu văn hóa các dân tộc Nghệ An” và Chương trình nghệ thuật “Vang mãi bài ca kết đoàn thu hút hàng chục ngàn người tham gia, để lại nhiều cảm xúc cho người dân.

Thứ mười , đã bước đầu phác họa được hình ảnh “Người cán bộ Mặt trận trong Kỷ nguyên số” từ sự chủ động, quyết liệt triển khai các giải pháp chuyển đổi số trong công tác Mặt trận , góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận trên tất cả các lĩnh vực, tiến tới xây dựng hình ảnh người cán bộ Mặt trận trong kỷ nguyên số, đáp ứng yêu cầu cách mạng trong tình hình mới, đó là: Xây dựng triển khai các cơ sở dữ liệu số phục vụ công tác Mặt trận, thực hiện đồng bộ phần mềm IOffice và chữ ký số từ tỉnh đến cấp xã; triển khai phần mềm báo cáo công tác Mặt trận; phần mềm quản lý chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo;…


[1] Tổng số in bài toàn tỉnh 1.526.415, trong đó các Trang thông tin của Mặt trận tỉnh là 1.043.366 tin, bài.

[2] Cuộc thi có 453 tác phẩm dự thi, có 91 tác phẩm đạt giải. Đợt 1 vòng thi chuyên đề có 27 tác phẩm đạt giải; đợt 2 vòng thi chuyên đề có 27 tác phẩm đạt giải; vòng thi chung kết có 54 tác phẩm đạt giải. Sản phẩm của cuộc thi, là xuất bản cuốn Kỷ yếu “Gương sáng nhiệm kỳ”, nhằm tôn vinh đội ngũ cán bộ mặt trận và các tổ chức, cá nhân, là công trình thiết thực chào mừng Đại hội MTTQ các cấp.

[3] Có 450 Ban GSĐTCCĐ tham gia Hội thi; với 11.000 thành viên. Tại Hội thi cấp tỉnh, Ban Tổ chức Hội thi đã trao 01 giải nhất, 04 giải nhì, 09 giải ba, 07 giải khuyến khích cho các đội thi; trao giải phụ cho 08 màn chào hỏi đặc sắc, 07 phần thi tiểu phẩm ấn tượng, 03 phần thi lí thuyết xuất sắc và 03 phần thi xử lí tình huống xuất sắc.

[4] Cuộc thi có 836 tác phẩm (54 tác phẩm văn và 782 tác phẩm thơ); có 17 tác phẩm đạt giải (01 giải đặc biệt; 01 giải nhất; 02 giải nhì; 03 giải ba và 10 giải khuyến khích) và 09 giải phụ. Sản phẩm cuộc thi, để xuất bản cuốn thơ, văn “Mặt trận Nghệ An trong lòng dân”, là công trình chào mừng Đại hội MTTQ các cấp nhiệm kỳ 2024 - 2029.

[5] Đóng góp trên 5,3 triệu ngày công; hiến trên 4,7 triệu m² đất; xây dựng được trên 1.800 km đường giao thông nông thôn; trên 200 km kênh mương; xây dựng trên 1.174 km đường điện; trên 4.500 tuyến đường cờ, đường hoa, đường cây; trên 3.000 tuyến đường chiếu sáng và cụm camera an ninh…

[6] Đến nay, toàn tỉnh có 319/411 xã đạt chuẩn NTM; 83 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 12 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. 10 đơn vị cấp huyện hoàn thành chương trình mục tiêu cây dựng nông thôn mới.

[7] Bao gồm: Quỹ “Vì người nghèo” 741,9 tỷ đồng; Chương trình “Tết vì người nghèo” hàng năm là 639,2 tỷ đồng; Quỹ cứu trợ hơn 275, 3 tỷ đồng; Quỹ phòng chống dịch Covid-19 trên 308,0 tỷ đồng; Quỹ tình nghĩa 66,74 tỷ đồng; Quỹ “Vì Trường Sa thân yêu” 3,1 tỷ đồng; Các hoạt động thiện nguyện hỗ trợ trực tiếp 430 tỷ đồng; Hỗ trợ đồng bào biên giới 80,07 tỷ đồng; xây dựng các công trình an sinh xã hội (hỗ trợ trực tiếp không qua quỹ) 271,2 tỷ đồng.

[8] Trong đó: Từ nguồn quỹ vì người nghèo 117,262 tỷ đồng (3.688 nhà), từ thực hiện Chỉ thị 21 của Tỉnh ủy - Chương trình 1838 là 404,1 tỷ đồng (8.626 nhà), từ nguồn Cứu trợ 9,63 tỷ đồng (308 nhà), tư nguồn tình nghĩa 30,463 tỷ đồng (763 nhà)

[9] Đã trao tặng 57 Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh và 236 Bằng khen của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho 293 nhóm thiện nguyện, cá nhân nhà hảo tâm.

[10] Đã xây dựng được 32 cầu dân sinh, điểm trường 49 với hơn 230 phòng học và ở cho giáo viên, học sinh; hỗ trợ xây dựng trên 450 nhà đại đoàn  kết,....

LIÊN KẾT WEBSITE

 
 
 

Các đơn vị khác