Cần thống nhất đầu mối chỉ đạo hoạt động phòng thủ dân sự

18:11 02/11/2022

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Phòng thủ dân sự, nhiều ĐBQH cho rằng, cần đổi mới cơ cấu tổ chức, điều hành, chỉ đạo trong công tác phòng thủ dân sự từ cấp Trung ương đến địa phương trên cơ sở thống nhất một đầu mối; phân công, phân cấp rõ ràng, “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm” và tránh việc trùng lắp, chồng chéo và lúng túng trong quá trình tổ chức thực thi các nhiệm vụ…
ĐBQH VÕ THỊ MINH SINH (Nghệ An): Đánh giá kỹ hơn kết quả hoạt động các Ban Chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương
Bày tỏ đồng tình và thống nhất cao về sự cần thiết của việc xây dựng và ban hành Luật Phòng thủ dân sự để tạo khung pháp lý chung nhất cho việc phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh, phòng, chống, khắc phục thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh nhằm bảo vệ cao nhất tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân… ĐBQH Võ Thị Minh Sinh cho rằng, cần phải đổi mới cơ cấu tổ chức, điều hành, chỉ đạo trong công tác phòng thủ dân sự từ cấp Trung ương đến địa phương trên cơ sở thống nhất một đầu mối và phân công, phân cấp rõ ràng, “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm” và tránh trùng lắp, chồng chéo và lúng túng trong quá trình tổ chức thực thi các nhiệm vụ liên quan đến phòng thủ dân sự, bảo đảm phương châm “4 tại chỗ”. Bởi hiện nay, hệ thống tổ chức chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự Trung ương và bộ, ngành, địa phương vẫn chưa thống nhất.

ĐBQH Võ Thị Minh Sinh phát biểu (Ảnh: PV)

Đồng thời, cần nghiên cứu đổi mới một cách hợp lý, phù hợp với Nghị quyết số 56 năm 2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đánh giá kỹ hơn về kết quả hoạt động của các Ban Chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương, gắn với đó là đánh giá việc triển khai và thực hiện các quỹ liên quan. Ví dụ như: Quỹ phòng, chống thiên tai; Quỹ bảo vệ môi trường; Quỹ phòng, chống dịch… “Quỹ phòng, chống thiên tai được thực hiện theo Quyết định 78 của Chính phủ. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa tổ chức triển khai hoạt động, bởi còn vướng mắc về mô hình tổ chức bộ máy cũng như hoạt động kiêm nhiệm. Chính vì vậy, đề nghị cần phải có đánh giá kỹ và rà soát nội dung này gắn với các luật để phát huy cao nhất công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh…”, đại biểu Võ Thị Minh Sinh nhấn mạnh.
Về tổ chức, nhiệm vụ của Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự Quân khu I (tại Điều 22, Nghị định 02 năm 2019), ĐBQH Võ Thị Minh Sinh cũng cho rằng: đã được quy định khá rõ. Tuy nhiên, nếu đã nghiên cứu theo hướng hợp nhất và để tạo khung pháp lý chung nhất cho các nội dung này thì nhất thiết phải luật hóa quy định… “Trước đây, khi chúng tôi phối hợp với phòng cứu nạn, cứu hộ (sau này thành “Phòng Tác chiến”)... Như vậy, nếu nói về một đầu mối độc lập ở địa phương và tổ chức triển khai hoạt động này để bảo đảm đáp ứng đúng như dự thảo Luật Phòng thủ dân sự thì rõ ràng cũng phải nghiên cứu (không có nghĩa là sáp nhập như thế là đã tốt hay là tinh giản, sáp nhập, thu gọn đầu mối là tốt)… Vấn đề ở đây là trách nhiệm và thách thức của các đơn vị này theo hệ thống chuyên trách, độc lập và có tính trách nhiệm cao hơn và tính thách thức lớn hơn, đặc biệt đối với địa bàn Quân khu 4, Quân Khu 5 rất cần phối hợp liên tỉnh, giữa các địa phương”, đại biểu Võ Thị Minh Sinh dẫn chứng.
ĐBQH HÀ THỌ BÌNH (Hà Tĩnh): Tồn tại đồng thời nhiều tổ chức chỉ đạo sẽ gây tốn kém, lãng phí về nguồn lực
Theo ĐBQH Hà Thọ Bình, phòng thủ dân sự là một bộ phận của phòng thủ đất nước, được tiến hành bằng các hoạt động xuyên suốt trong cả thời bình, thời chiến và trong tình trạng khẩn cấp để bảo vệ Nhân dân và nền kinh tế, hạn chế đến mức thấp nhất sự thiệt hại về người và của do các loại vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại của địch gây ra, cũng như để thực hiện công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả của thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh nhằm bảo vệ Nhân dân, cơ quan, nền kinh tế quốc dân, giữ vững độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc…Do đó, việc xây dựng Luật Phòng thủ dân sự là rất cần thiết, nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, tạo điều kiện cho việc chủ động phòng, chống, ứng phó, khắc phục hiệu quả với các thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm an ninh, an toàn cho đất nước khi có tình huống xảy ra.

ĐBQH Hà Thọ Bình phát biểu.(Ảnh: PV)

Cũng theo đại biểu, hiện nay, trong lĩnh vực phòng thủ dân sự việc phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố còn tồn tại nhiều tổ chức chỉ đạo, chỉ huy như Ban chỉ đạo quốc gia về phòng thủ dân sự, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn… Các tổ chức này có nhiều sự trùng lặp, chồng chéo về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, thành viên. Do đó, khi có thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh xảy ra, các tổ chức chỉ đạo nêu trên đều vào cuộc nên sẽ gây chồng chéo, lúng túng cho các cơ quan, đơn vị trực tiếp thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó, việc tồn tại đồng thời nhiều tổ chức chỉ đạo sẽ gây tốn kém, lãng phí về nguồn lực tổ chức thực hiện.
ĐBQH Hà Thọ Bình cũng cho biết: Quá trình hoạt động của Quỹ phòng thủ dân sự là hoạt động hợp lý, linh hoạt, phù hợp cho các nhiệm vụ về phòng ngừa, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, môi trường khi một trong những quỹ thuộc lĩnh vực phòng thủ dân sự mà chưa đáp ứng được yêu cầu cấp bách sẽ được điều tiết từ quỹ khác sang hoặc từ Trung ương xuống địa phương... Ví dụ, đại dịch Covid-19 qua, nếu quỹ phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm không có khả năng để đáp ứng với nhiệm vụ phòng, chống dịch thì có thể điều tiết từ quỹ khác sang.
Việc xây dựng công trình phòng thủ dân sự ở từng cấp, từng địa phương phải gắn liền với thế trận khu vực phòng thủ, phòng thủ khu vực, bảo đảm kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng; triệt để tận dụng các công trình tự nhiên hang động, địa hình, công trình đường hầm, công trình ngầm làm nơi tránh trú cho Nhân dân, cơ quan khi xảy ra thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh và khi có chiến tranh xảy ra... Cùng với đó, Nhà nước có chính sách để các nhà đầu tư trong và ngoài nước xây dựng các công trình ngầm, nhà cao tầng bảo đảm tính lưỡng dụng…
“Để không phát sinh thêm thủ tục hành chính cho các chủ đầu tư, chủ dự án, dự thảo Luật chỉ quy định theo hướng tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành về bảo vệ công trình phòng thủ dân sự chuyên dụng”, đại biểu Hà Thọ Bình nhấn mạnh.

Diệp Anh

LIÊN KẾT WEBSITE

 
 
 

Các đơn vị khác