Đại biểu Quốc hội Đoàn Nghệ An thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

20:11 14/11/2022

Ngày 14/11, tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV làm việc tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội.

Toàn cảnh phiên làm việc sáng 14/11 tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. (Ảnh: Quochoi.vn)

KHÔNG NÊN QUY ĐỊNH HẠN MỨC CHUYỂN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT NÔNG NGHIỆP
Thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), ông Trần Nhật Minh - ĐBQH chuyên trách Đoàn Nghệ An đánh giá: Hạn chế của Luật Đất đai 2013 là chưa làm rõ được thế nào là "Dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng".
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này đã khắc phục được tồn tại nêu trên của Luật Đất đai năm 2013, nhưng theo ông vẫn chưa đáp ứng đầy đủ định hướng của Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương đã nêu rõ là: "Quy định cụ thể hơn về thẩm quyền, mục đích, phạm vi thu hồi đất, điều kiện, tiêu chí cụ thể việc Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng".

Ông Trần Nhật Minh - ĐBQH chuyên trách Đoàn Nghệ An phát biểu thảo luận. (Ảnh: Quang Khánh)

Các quy định tại Điều 86 của dự thảo Luật so với Điều 62, Luật Đất đai phạm vi thu hồi đất được mở rộng hơn, song vẫn còn chưa rõ ràng, tách biệt về mục đích khi Nhà nước thu hồi đất, dễ bị áp dụng chủ quan, tuỳ nghi, đặc biệt dự thảo Luật chưa làm nổi bật được tiêu chí "trường hợp thật cần thiết" như Hiến pháp năm 2013 đã quy định về vấn đề này.
“Đây chính là bất cập rất lớn, gây khó khăn, vướng mắc và hạn chế trong công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư trong thời gian vừa qua. Do vậy, theo tôi, cần làm rõ hơn các điều kiện, tiêu chí đối với các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng để tách biệt với các dự án phát triển kinh tế có lợi ích thuần túy của chủ đầu tư nhằm tránh sự áp đặt chủ quan, máy móc, tràn lan khi Nhà nước thu hồi đất dẫn đến sự không đồng thuận của người có đất bị thu hồi; đồng thời để từ đó áp dụng cơ chế thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phù hợp”, đại biểu Trần Nhật Minh nói.
Về các dự án thuộc diện thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, tại Điều 86 dự thảo Luật quy định các dự án bao gồm dự án đô thị, dự án dân cư nông thôn, nhà ở thương mại. Theo đại biểu, cần làm rõ các tiêu chí thu hồi đất đối với các dự án đô thị, khu dân cư; bởi nếu không có tiêu chí rõ ràng để có phương án bồi thường thỏa đáng thì sẽ phát sinh khiếu kiện, ảnh hưởng tình hình an ninh trật tự xã hội và quan trọng hơn là quyền lợi của người bị thu hồi đất không đảm bảo.

Các vị ĐBQH Đoàn Nghệ An, Tuyên Quang trao đổi với lãnh đạo HĐND tỉnh dự thính phiên làm việc sáng 14/11 tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. (Ảnh: Quang Khánh)

Về hạn mức sử dụng đất nông nghiệp, dự thảo Luật quy định về hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất Nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân: "không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân đối với mỗi loại đất quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 180 của Luật này". So với Luật Đất đai 2013 thì hạn mức chuyển nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp trong trường hợp này được nâng lên 5 lần. Đại biểu Trần Nhật Minh đề nghị cơ quan soạn thảo nêu rõ cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn để có sự sửa đổi nâng hạn mức, bởi theo ông, quy định này cũng chưa phù hợp trong bối cảnh phát triển nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tập trung quy mô lớn, đặc biệt là việc thực hiện cơ giới hóa sản xuất để nâng cao năng suất lao động trong nông nghiệp thì quy định về hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp đang trở thành lực cản.
Để giải quyết vấn đề trên, vị đại biểu Đoàn Nghệ An đề nghị sửa đổi quy định về hạn mức sử dụng đất nông nghiệp theo hướng chỉ cần quy định về hạn mức giao đất nông nghiệp, không nên quy định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp; gắn với cơ chế quản lý chặt chẽ việc sử dụng đúng mục đích đối với loại đất này.
NGHIÊN CỨU, BỔ SUNG QUY ĐỊNH CƠ CHẾ CHIA SẺ LỢI ÍCH GIỮA NHÀ ĐẦU TƯ VỚI NGƯỜI DÂN
Thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), ông Hoàng Minh Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội kiến nghị cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu để đơn giản hoá thủ tục hành chính về đất đai. Đặc biệt, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Ban soạn thảo các đạo luật có liên quan, như Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Nhà ở để hạn chế các vướng mắc, bảo đảm có sự kết nối chặt chẽ giữa thủ tục hành chính về đất đai với các thủ tục hành chính khác và quan trọng là cần giao Chính phủ bảo đảm việc áp dụng một cách thống nhất trên cả nước.
Vị đại biểu Đoàn Nghệ An cũng đề nghị trong lần sửa đổi này, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung quy định về cơ chế chia sẻ lợi ích giữa nhà đầu tư với người dân trong các dự án có tác động lớn đến môi trường sống của người dân nhằm tạo điều kiện cho việc phục hồi và phát triển sinh kế lâu dài.

Ông Hoàng Minh Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ĐBQH Đoàn Nghệ An phát biểu thảo luận. (Ảnh: Quang Khánh)

“Chia sẻ lợi ích không chỉ là việc hỗ trợ, bồi thường trực tiếp cho các thiệt hại mà còn bao gồm rất nhiều các công cụ khác. Chẳng hạn như việc chia sẻ lâu dài nguồn lợi thu được từ các dự án; áp dụng giá điện ưu đãi; trả tiền cho các dịch vụ về môi trường và sinh thái; xây dựng các quỹ phát triển cộng đồng… Hoặc bằng các biện pháp nhằm cải thiện thu nhập, môi trường sống của những người dân bị ảnh hưởng như thực hiện các dự án y tế, giáo dục, các khoản đầu tư phụ trợ, chuyển đổi việc làm”, đại biểu Hoàng Minh Hiếu nói.
Đồng tình với nhận định dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án luật rất quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian tới. Vì vậy, để bảo đảm chất lượng của dự án luật, vị đại biểu Đoàn Nghệ An kiến nghị cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với các cơ quan có liên quan, trên cơ sở ý kiến thảo luận của các ĐBQH cần xác định những vấn đề chính sách lớn của dự án Luật để tập trung nghiên cứu theo chuyên đề, ví dụ như về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao đất, thu hồi đất, tài chính đất đai… Trên cơ sở đó, có những hình thức thảo luận chuyên đề, tập trung làm rõ từng nội dung, từng chế định của dự án Luật để có cơ sở báo cáo xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về từng nội dung, trình Quốc hội tại các kỳ họp kế tiếp.
Cũng trong phiên làm việc sáng nay, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Thanh tra (sửa đổi) và Luật Dầu khí (sửa đổi).
Theo baonghean.vn

LIÊN KẾT WEBSITE

 
 
 

Các đơn vị khác