Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An ban hành kế hoạch triển khai công tác ngoại giao kinh tế

08:11 27/11/2022

Ngoại giao kinh tế là một nhiệm vụ cơ bản, trung tâm của nền ngoại giao Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, là động lực quan trọng để phát triển đất nước nhanh, bền vững; đóng vai trò tiên phong trong huy động nguồn lực bên ngoài để xây dựng nền kinh tế.
Ban Thường vụ Tỉnh uỷ vừa ban hành Kế hoạch số 134-KH/TU triển khai thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030.

Lãnh đạo tỉnh Nghệ An và thành phố Gwangju (Hàn Quốc) xem triển lãm nhằm xúc tiến du lịch giữa hai địa phương được tổ chức trong tháng 10/2022 tại TP. Vinh. (Ảnh: Thành Duy)

Mục đích nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW và các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước.
Đồng thời, định hướng thực hiện các nhiệm vụ của Chỉ thị số 15-CT/TW phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tế của tỉnh, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế toàn diện, thực chất, hiệu quả, góp phần xây dựng kinh tế - xã hội tỉnh nhà bền vững.
Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã chỉ rõ 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện. Trước hết là cần tuyên truyền, phổ biến, quán triệt công tác công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước.
Ban Thường vụ Tỉnh uỷ cũng yêu cầu mở rộng, làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác với các đối tác nước ngoài, nhất là các nước láng giềng, các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện thông qua việc tiếp tục củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện với các tỉnh của nước bạn Lào nhằm gắn kết chặt chẽ quan hệ chính trị đối ngoại với hợp tác kinh tế, quốc phòng, an ninh, văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ...
Nghệ An cũng cần tiếp tục duy trì và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ với các tỉnh kết nghĩa như: Gifu (Nhật Bản), thành phố Gyeonggi (Hàn Quốc), U-li-a-nốp (LB Nga), Khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây và tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc), các tỉnh nằm trong hiệp hội các tỉnh 3 nước Việt Nam - Lào - Thái Lan sử dụng đường 8 và đường 12 và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam nhằm đưa khuôn khổ quan hệ đã xác lập đi vào chiều sâu, thực chất, tạo sự đan xen gắn kết lợi ích giữa tỉnh và các đối tác.
Tranh thủ tối đa các quan hệ chính trị đối ngoại để thúc đẩy hợp tác, liên kết kinh tế, qua đó củng cố vững chắc quan hệ với các đối tác, nâng cao tiềm lực, vị thế, uy tín của tỉnh Nghệ An với bạn bè quốc tế. Nghiên cứu ký kết hợp tác song phương và đa phương giữa tỉnh Nghệ An với các đối tác nước ngoài phù hợp, nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, giáo dục và đào tạo, xuất khẩu lao động, chuyển giao khoa học công nghệ tập trung vào các quốc gia Đông Bắc Á, Đông Nam Á...
Cùng với đó là nâng cao chất lượng và hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế thông qua thực thi và tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) như: CPTPP, EVFTA, UKFTA và các hiệp định thương mại mà Việt Nam là thành viên, nhằm gắn Nghệ An vào chuỗi cung ứng quốc gia và quốc tế, nâng cao vị thế của tỉnh trong các chuỗi giá trị và trong nhìn nhận, đánh giá của các đối tác; chủ động thực thi các quy tắc và luật lệ chung về thương mại quốc tế.
Ban Thường vụ Tỉnh uỷ nhấn mạnh cần tích cực vận động, thu hút hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc. Ưu tiên, chú trọng thu hút các dự án có chất lượng, hiệu quả kinh tế, bảo đảm môi trường, phát triển bền vững, có cam kết chuyển giao công nghệ và lao động có kỹ năng cao; tập trung thu hút những nhà đầu tư lớn, có sử dụng công nghệ cao, hiện đại, thân thiện với môi trường; các nhà đầu tư vừa và nhỏ phù hợp với từng lĩnh vực, từng địa phương... bảo đảm sức cạnh tranh của sản phẩm và hàng hóa xuất khẩu, đồng thời có đóng góp lớn cho ngân sách tỉnh.
Nghệ An cũng xác định đẩy mạnh hợp tác, vận động sự tham gia của các tổ chức nước ngoài trong việc triển khai các dự án nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao và phát triển công nghệ, hỗ trợ các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh gắn với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Đặc biệt, tỉnh xác định cần khuyến khích, tạo điều kiện để kiều bào người Nghệ An ở nước ngoài về địa phương tham gia các hoạt động xã hội, triển khai các hoạt động đầu tư, hợp tác kinh tế; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách thủ tục hành chính và triển khai đồng bộ các chính sách liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài nói chung và người Nghệ An ở nước ngoài nói riêng về tỉnh đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Ban Thường vụ Tỉnh uỷ cũng nhấn mạnh xây dựng ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm; nâng cao năng lực dự báo, tham mưu chiến lược về kinh tế quốc tế; phát huy vai trò của đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại và ngoại giao kinh tế.
Theo baonghean.vn

LIÊN KẾT WEBSITE

 
 
 

Các đơn vị khác