Bồi dưỡng thế hệ trẻ xứng tầm với đòi hỏi phát triển của đất nước

21:04 28/04/2022

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến của thế hệ trẻ, qua đó góp phần xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
Chiều 28/4, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ GD&ĐT và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức Hội nghị triển khai Quyết định số 1895/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình "Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021-2030".

Các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Kim Sơn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GT&ĐT đồng chủ trì hội nghị. (Ảnh: Giaoducthoidai.vn)

VẤN ĐỀ CÓ TÍNH CHIẾN LƯỢC
Công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ luôn được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, gia đình, nhà trường và toàn xã hội quan tâm. Một trong những vấn đề quan trọng của Nghị quyết 29-NQ/TW là chuyển mạnh quá trình giáo dục từ "nặng" về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục "trọng" về hình thành, phát triển năng lực, phẩm chất của người học; chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, kiến thức pháp luật và ý thức công dân.
Nội dung giáo dục toàn diện một lần nữa được khẳng định tại Kết luận số 51-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, trong đó yêu cầu: "Đẩy mạnh công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, kiến thức pháp luật và ý thức công dân trong hệ thống giáo dục quốc dân". Trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cụm từ "khát vọng cống hiến" được nhiều lần nhắc đến.
Ngành GD&ĐT đã và đang tập trung chỉ đạo, tạo chuyển biến mạnh mẽ về công tác "dạy người", giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho thanh niên học sinh, sinh viên và từng bước triển khai nhiệm vụ "khơi dậy khát vọng cống hiến" cho HSSV trong các cơ sở giáo dục.

Toàn cảnh điểm cầu tỉnh Nghệ An. (Ảnh: PV)

Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng là vấn đề có tính chiến lược, vừa giải quyết những vấn đề trước mắt vừa có giá trị định hướng lâu dài đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần đầu tư cho tương lai của đất nước.
Theo Quyết định 1895, Chương trình xác định 2 mục tiêu lớn: Một là tiếp tục tăng cường, tạo chuyển biến tích cực, toàn diện trong hoạt động giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng; góp phần xây dựng thế hệ thanh niên, thiếu niên và nhi đồng kiên định lý tưởng cách mạng, có bản lĩnh chính trị vững vàng; tuân thủ pháp luật, có trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội, có kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp, có tay nghề cao.
Hai là khơi dậy trong thanh niên, thiếu niên và nhi đồng tinh thần thi đua học tập, rèn luyện; ước mơ, hoài bão, ý chí, khát vọng vươn lên lập thân, lập nghiệp, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.

Đồng chí Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì điểm cầu Nghệ An. (Ảnh: PV)

Đối với Nghệ An, ngày 20/4/2022 UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình "Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng" trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022-2030. Trong đó, đề ra một số chỉ tiêu chủ yếu, cũng như 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm triển khai hiệu quả Quyết định 1895 của Thủ tướng Chính phủ.
BỒI DƯỠNG THẾ HỆ TRẺ ĐÁP ỨNG YÊU CẦU PHÁT TRIỂN CỦA ĐẤT NƯỚC
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhắc lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò giáo dục thanh niên, thiếu niên, nhi đồng và cho rằng, thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta đã dành sự quan tâm sâu sắc trong công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ và xem đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng.

Hội nghị được kết nối trực tuyến đến nhiều điểm cầu các tỉnh, thành, trường ĐH, CĐ. (Ảnh: PV)

Để thực hiện các mục tiêu trong Chương trình "Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021-2030, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị cấp ủy, chính quyền cũng như các cơ quan chức năng cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, đồng bộ trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Tiếp tục làm rõ, sâu sắc hơn các quan điểm trong các văn kiện chính trị tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII với nhiều cách làm phong phú, phù hợp với điều kiện của từng đối tượng.
Phải triển khai giáo dục lý tưởng cách mạng, trong đó đặc biệt chú trọng nhân cách, đạo đức, nghề nghiệp, lối sống văn hóa, ý thức pháp luật, ý thức công dân cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trong giai đoạn tới phải gắn với thực hiện Kết luận số 01 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05 về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiêu biểu trong học tập, giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cũng yêu cầu công tác giáo dục phải đáp ứng mục tiêu giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc gắn với văn hóa tinh hoa nhân loại trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Tiếp tục đổi mới công tác giáo dục, tuyên truyền, nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác giáo dục về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh, thiếu niên, nhi đồng. Chú trọng ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, chuyển đổi số tạo chuyển biến tích cực trong hoạt động giáo dục cho thanh, thiếu niên, nhi đồng.

Lãnh đạo các sở, ngành tham dự hội nghị. (Ảnh: PV)

Cùng đó, tổ chức hiệu quả các phong trào hoạt động cách mạng của Đoàn, hội, đội trong và ngoài nhà trường trong bối cảnh có nhiều giá trị tốt đẹp nhưng cũng không ít nội dung phản cảm. Xây dựng hiệu quả cơ chế phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội, làm sao mối quan hệ này phải thống nhất, đồng tâm, đồng mục tiêu, xây dựng những nhân lực có chất lượng cao, góp phần xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc; xây dựng từng gia đình hạnh phúc, giàu có.

Theo Baonghean.vn

LIÊN KẾT WEBSITE

 
 
 

Các đơn vị khác