Đối thoại với nhân dân, giải quyết bức xúc từ cơ sở

11:08 07/08/2020
Hoạt động đối thoại giữa Chủ tịch HĐND và Chủ tịch UBND cấp xã với nhân dân đã giúp chính quyền giải quyết thấu tình đạt lý ngay từ cơ sở, hạn chế đơn thư khiếu kiện vượt cấp, tăng cường sự tham gia của người dân vào quá trình phát triển KT - XH địa phương.

Lắng nghe ý kiến nhân dân

Một trong những “kênh” được thị xã Thái Hòa tổ chức có hiệu quả là lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các phường đối thoại trực tiếp với người dân để lắng nghe và giải đáp những vấn đề còn vướng mắc trong triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Nhờ dân vận khéo, Chi hội Nông dân xóm Phú Tân, xã Tây Hiếu (TX. Thái Hòa) đã tập hợp được đông đảo hội viên, thành lập hợp tác xã nuôi ong. Ảnh tư liệu

Tại phường Hòa Hiếu, trong năm 2018, lãnh đạo phường tổ chức hội nghị đối thoại với nhân dân khối Đồng Tâm; đã tiếp nhận 11 ý kiến kiến nghị của người dân. Còn hội nghị đối thoại tại khối Tân Liên có 4 ý kiến liên quan đến giải tỏa hành lang giao thông, đầu tư xây dựng kênh mương, chính sách cho hộ đặc biệt khó khăn,...

“Phường chủ động đối thoại để nắm bắt, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc trong đời sống và kiến nghị của người dân. Ngay sau khi đối thoại, cấp ủy, chính quyền phường tập trung chỉ đạo giải quyết các kiến nghị chính đáng. Qua đó củng cố được niềm tin của dân đối với cấp ủy đảng và chính quyền”.

Chủ tịch UBND phường Hòa Hiếu Nguyễn Kim Hải

Thực hiện chủ trương đối thoại với người dân, Ban Thường vụ Thị ủy Thái Hòa phối hợp với MTTQ thị xã chỉ đạo 10/10 phường tổ chức đối thoại giữa Chủ tịch HĐND, UBND xã, phường với nhân dân. Theo đó, nhiều vấn đề bức xúc của người dân như giải phóng mặt bằng; hay việc sáp nhập xóm người dân còn nhiều băn khoăn, các phường đã tổ chức đối thoại tại các khu dân cư để phân tích, giải thích thấu tình đạt lý để người dân hiểu rõ, tạo sự đồng thuận cao trong thực hiện chủ trương. Đặc biệt, cán bộ lãnh đạo các phường nêu cao tinh thần trách nhiệm, lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân với thái độ cầu thị, giải đáp những thắc mắc của dân.

Phong trào xây dựng đường hoa ở thị xã Thái Hòa.

Các ý kiến, kiến nghị của người dân sau các cuộc đối thoại được MTTQ thị xã giám sát, tại các kỳ họp sau, người đứng đầu chính quyền địa phương phải báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị của người dân ở kỳ đối thoại trước đó.

“Cái được lớn nhất là thay đổi nhận thức của người dân. Nếu như trước đây người dân chỉ quan tâm đến việc kiến nghị thì nay người dân liên hệ đến tồn tại của địa phương, quan tâm đóng góp các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội chung”.

Chủ tịch MTTQ thị xã Thái Hòa Nguyễn Thị Nga

Lựa chọn những vấn đề bức xúc, khó khăn nổi lên tại cơ sở lâu nay được nhân dân quan tâm để đối thoại theo chuyên đề, thông qua đó tập trung giải quyết các nội dung tồn đọng, vướng mắc là cách làm của MTTQ huyện Nghi Lộc trong tổ chức hoạt động đối thoại giữa Chủ tịch HĐND và Chủ tịch UBND cấp xã với nhân dân thời gian qua. Theo đó, trong năm 2018, có 30 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã tổ chức 57 cuộc đối thoại; trong đó 32 cuộc theo hình thức chuyên đề liên quan đến công tác đất đai, chế độ chính sách, công tác giải phóng mặt bằng, vệ sinh môi trường an ninh trật tự, quy hoạch nông thôn mới,…

Người dân xã Nghi Kiều (Nghi Lộc) đối thoại với cấp ủy, chính quyền. Ảnh: Lê Thanh

Các ý kiến nhân dân nêu ra tại các hội nghị đối thoại được Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND cấp xã trao đổi, đối thoại làm rõ, được nhân dân đồng tình, ghi nhận. Nhiều ý kiến khi trả lời nhưng nhân dân chưa đồng tình được chất vấn trở lại, tạo không khí dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm. Một số ý kiến thuộc thẩm quyền của cấp trên cũng đã được chính quyền tiếp thu, tổng hợp để đưa vào báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị và tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.

Phó Chủ tịch MTTQ huyện Nghi Lộc Đậu Khắc Thân đánh giá: Việc tổ chức đối thoại đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của người dân, các ý kiến đối thoại cơ bản đi trúng trọng tâm, phản ánh đúng thực tiễn và yêu cầu hiện nay. Thông qua diễn đàn này đã góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của MTTQ và các thành viên trong tham gia xây dựng chính quyền, của đội ngũ cán bộ và chính quyền cơ sở, tạo kênh thông tin hữu ích để địa phương phối hợp giải quyết những tồn tại, khó khăn, vướng mắc của người dân (đặc biệt là tại các hội nghị đối thoại theo hình thức chuyên đề).

Các mô hình trồng dưa chuột trên đất ruộng ở xã Nghi Hoa, chăn nuôi gà ở xã Nghi Kiều và trồng dưa lưới trong nhà giàn ở xã Nghi Long (Nghi Lộc). Ảnh: Hoa - Lê

Kịp thời tháo gỡ vướng mắc

Thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tổ chức hoạt động đối thoại giữa Chủ tịch HĐND và Chủ tịch UBND cấp xã với nhân dân, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã xây dựng và triển khai kế hoạch tổ chức hoạt động đối thoại giữa Chủ tịch HĐND và Chủ tịch UBND cấp xã với nhân dân, xem đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng trong năm, góp phần ổn định chính trị, xây dựng và củng cố chính quyền vững mạnh từ cơ sở. Kết quả, 2018, toàn tỉnh đã tổ chức được 826 cuộc đối thoại giữa Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND cấp xã với nhân dân.

Nội dung đối thoại tập trung chủ yếu về những vấn đề bất cập trong thực hiện các chế độ, chính sách pháp luật trên địa bàn, các vấn đề liên quan đến trách nhiệm quản lý, điều hành của chính quyền cơ sở; công tác cải cách hành chính, thực hiện dân chủ ở cơ sở, đạo đức công vụ, quản lý đất đai,… Nhiều nhóm vấn đề bức xúc trong cuộc sống được đối thoại như: Lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý tài chính, tài nguyên môi trường,... được lãnh đạo các cấp lắng nghe và có giải pháp xử lý hiệu quả, tạo được niềm tin trong nhân dân.

Năm 2018, toàn tỉnh đã tổ chức trên 826 hội nghị đối thoại, trong đó có 447 hội nghị được tổ chức tại hội trường UBND cấp xã, 379 hội nghị được tổ chức tại nhà văn hóa khối, xóm, bản. Các hội nghị đối thoại đã thu hút hơn 68.000 lượt người tham gia, trong đó có 21.659 lượt cán bộ từ khối, xóm, bản đến cấp xã, huyện và 47.487 lượt người dân tham gia đối thoại; có 6.699 lượt người tham gia phát biểu với 9.130 ý kiến đối thoại.
Cán bộ xã Nghi Hoa (Nghi Lộc) trao đổi với người dân.

Đặc biệt, cấp ủy, chính quyền cấp xã đã tích cực phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ cùng cấp tiếp thu, thực hiện các lời hứa về việc thực hiện các kiến nghị của nhân dân. Không chỉ tổ chức đối thoại chung, một số địa phương còn chủ động lựa chọn việc khó khăn, những vấn đề đang được quan tâm để đối thoại tại khu dân cư. Ngay sau các cuộc đối thoại, các địa phương đã phân loại từng ý kiến, kiến nghị của người dân nêu ra, cụ thể hóa thành văn bản, giao nhiệm vụ giải quyết, trả lời người dân cụ thể.

Đánh giá về hoạt động này, Phó Chủ tịch MTTQ tỉnh Nguyễn Ngọc Nguyên cho biết, việc tổ chức hội nghị đối thoại giữa chính quyền với nhân dân đã thực sự phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở; đồng thời tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của lãnh đạo các cấp về trách nhiệm của MTTQ, các đoàn thể và nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ chủ chốt ở cơ sở trong việc lãnh đạo, điều hành công việc ở địa phương, tiếp tục thực hiện tốt hơn dân chủ cơ sở.

"Thông qua đối thoại, quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân đã thực sự được phát huy".

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nguyễn Ngọc Nguyên

Phong trào thể dục, thể thao phát triển mạnh ở từng khu dân cư. Ảnh tại xã Nam Xuân, huyện Nam Đàn.

Lê Thanh

LIÊN KẾT WEBSITE

 
 
 

Các đơn vị khác