Nhiều góp ý, phản biện Dự thảo Quy hoạch tỉnh Nghệ An đến năm 2050

15:05 23/05/2022

Ý kiến các đại biểu cho rằng, nội dung của Dự thảo "Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến nǎm 2050” cần sát với thực tế và có tính khả thi hơn.
Sáng 23/5, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với Dự thảo "Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030", tầm nhìn đến năm 2050.

Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: PV)

Theo báo cáo của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An, tính đến hết ngày 17/5/2022, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An đã có góp ý phản biện xã hội bằng văn bản của 7 huyện, 1 tổ chức thành viên, 3 hội đồng tư vấn, 12 chuyên gia.
Tại hội nghị, các đại biểu, chuyên gia đã góp ý, phản biện xã hội tập trung vào các nội dung: Sự cần thiết, tính cấp thiết của việc xây dựng Quy hoạch tỉnh; sự phù hợp của Dự thảo Quy hoạch với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực tiễn của tỉnh và các địa phương; tính đúng đắn, khoa học, phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội và tính khả thi của bản Quy hoạch.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh - Nguyễn Đức Thành phát biểu khai mạc hội nghị. (Ảnh: PV)

Các ý kiến cũng phân tích, bổ sung vào kết cấu và nội dung của Dự thảo Quy hoạch; Quan điểm, mục tiêu và phương án phát triển; lĩnh vực mũi nhọn và sản phẩm chủ yếu của Nghệ An; các phương án quy hoạch hệ thống đô thị, kết cấu hạ tầng; giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch.
Ý kiến các đại biểu đề nghị Dự thảo Quy hoạch cần phải tổ chức lại nền kinh tế Nghệ An, bởi không thể đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp manh mún. Ngoài ra, về các khu kinh tế, cho rằng không để chồng chéo trong quy hoạch vùng, hành lang, các khu, cụm kinh tế; về chiến lược phát triển nguồn nhân lực,...

Đồng chí Hoàng Viết Đường - nguyên Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu góp ý tại hội nghị. (Ảnh: PV)

“Nếu muốn Nghệ An phát triển bền vững phải đưa tài nguyên rừng ở miền Tây vào tầm chiến lược, vì lâu nay khu vực này chưa được đánh giá đúng mức. Bởi, đối với miền Tây, tài nguyên chủ yếu là đất và rừng, do đó, phải đưa kinh tế rừng vào quy hoạch”, đại biểu Trương Công Anh – nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phân tích.
Góp ý vào Quy hoạch dự thảo, ông Đậu Đình Liễu - nguyên Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy cho rằng, bản Dự thảo Quy hoạch chưa nêu được những hạn chế của quy hoạch 10 năm qua. Và muốn quy hoạch đạt hiệu quả thì phải lấy thước đo của người dân để đánh giá.

Đồng chí Trần Quốc Thành - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ góp ý, cần xác định rõ sản phẩm, lĩnh vực chủ lực của Nghệ An

để có định hướng phát triển trong tương lai. (Ảnh: PV)

Theo ý kiến của đại biểu Trần Quốc Thành - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ: Nội dung Dự thảo Quy hoạch cần khái quát được hiện trạng để đề xuất mục tiêu sắp tới. Cần phải xác định rõ sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị, Nghệ An được xác định là trung tâm nào của vùng Bắc Trung Bộ.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh - Lê Văn Ngọc góp ý làm rõ một số nội dung trong Dự thảo Quy hoạch. (Ảnh: PV)

Cần phải xác định lĩnh vực nào, sản phẩm nào là chủ lực mở ra hướng phát triển mới trong tương lai để định hình, đưa ra các chiến lược, các phương án phát triển trong tương lai. Cũng theo đồng chí Trần Quốc Thành, bản quy hoạch cần định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ; hành lang phát triển kinh tế mang tính kết nối, định hướng quy hoạch phát triển miền Tây,…

Các đại biểu tham dự hội nghị. (Ảnh: PV)

Liên quan đến phát triển đô thị, đại biểu Phạm Xuân Cần - nguyên Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho rằng, Dự thảo Quy hoạch cần có tính thực tế và khả thi hơn. Đại biểu Cần nêu dẫn chứng các mục tiêu, chỉ tiêu về đô thị trong dự thảo chưa sát về thực tế, không hợp lý.
Cũng theo đại biểu Cần, yếu tố hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp hiện nay là rào cản để đưa khoa học công nghệ và vốn vào sản xuất. Muốn đưa khoa học vào sản xuất cần tổ chức lại hình thức sản xuất, phát triển doanh nghiệp nông nghiệp và trang trại, liên kết giữa doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, nông sản muốn phát triển phải xây dựng thương hiệu các sản phẩm.

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phan Văn Hoan tiếp thu, giải trình làm rõ một số nội dung các đại biểu góp ý. (Ảnh: PV)

Các ý kiến góp ý, phản biện tại hội nghị nhằm giúp cơ quan tham mưu và UBND tỉnh có thêm thông tin nghiên cứu, tham khảo để đánh giá đúng thực tế, từ đó xây dựng Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo các yêu cầu đặt ra.

Theo baonghean.vn

LIÊN KẾT WEBSITE

 
 
 

Các đơn vị khác